Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Về quyền khởi kiện của cá nhân không phải là vợ, chồng trong vụ án hôn nhân gia đình theo quy định của BLTTDS năm 2015

Pháp luật dân sự nước ta hiện nay chưa có điều luật nào quy định rõ khái niệm “khởi kiện vụ án dân sự “ nói chung, song có quy định cụ thể về “quyền khởi kiện vụ án”. Nội dung này được quy định cụ thể tại Điều 186- Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án dân sự.

Nghiên cứu quy định tại Điều 68-BLTTDS 2015, chúng ta có thể thấy rằng quyền khởi kiện vụ án dân sự là quyền đặc trưng và cơ bản nhất của nguyên đơn, bởi chỉ có nguyên đơn mới có quyền này. Ngoài nguyên đơn ra, các đương sự khác theo quy định của pháp luật chỉ có thể có quyền yêu cầu mà không thể có quyền khởi kiện. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người có giả thiết cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm lại không thể tự mình thực hiện quyền khởi kiện- bởi họ có thể là người bị mất năng lực hành vi dân sự. Đối với vụ án hôn nhân gia đình, trước khi có Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và gần đây nhất là BLTTDS năm 2015 có hiệu lực thì quyền và lợi ích hợp pháp của người bị mất năng lực hành vi dân sự được pháp luật bảo đảm thực hiện thông qua cơ chế đại diện, trừ trường hợp họ là đương sự trong chính vụ án hôn nhân gia đình do bị hạn chế bởi điều kiện ràng buộc được quy định tại Khoản 2- Điều 24- Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 “Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ …” .

Liên quan đến quyền khởi kiện của chủ thể khác không phải là vợ hoặc chồng trong chính vụ án hôn nhân gia đình, BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) tại Điều 162 đã xác định cụ thể một số cơ quan, tổ chức có tính chất bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, bao gồm “cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ”. Các cơ quan, tổ chức này trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân gia đình đối với các trường hợp thuộc điểm a- Khoản 2- Điều 3- Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS. Theo đó, cơ quan về dân số, gia đình và trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ chỉ được quyền khởi kiện vụ án đối với các trường hợp yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc để xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc trường hợp xác định con cho cha, mẹ bị mất năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, đối với các trường hợp vợ chồng ly hôn có yêu cầu chia tài sản chung, tranh chấp nuôi con chung nếu một bên bị mất năng lực hành vi dân sự thì chưa được pháp luật cho phép thực hiện quyền khởi kiện vụ án thông qua người đại diện, trong khi với vụ án hôn nhân gia đình có tranh chấp thì các đương sự là vợ, chồng có quyền lợi hoặc yêu cầu luôn đối lập nhau nên không thể đại diện cho nhau khi có một bên vợ hoặc chồng là người bị mất năng lực hành vi dân sự. Điều này là bất hợp lý, gây khó khăn cho việc giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình nói chung.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan thực thi pháp luật cũng như đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của người bị mất năng lực hành vi dân sự trên thực tế, cùng với quy định tại Khoản 2- Điều 51- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 “Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chông do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ”, BLTTDS năm 2015 với quy định tại Khoản 5- Điều 187 “cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình” đã tạo cơ sở pháp lý cho việc cá nhân khác không phải là vợ hoặc chồng trong chính vụ án hôn nhân gia đình có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân gia đình để yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người thân của họ khi có tranh chấp về chia tài sản chung, tranh chấp về nuôi con chung trong trường hợp người thân của họ bị mất năng lực hành vi dân sự.

Theo quy định tại Khoản 19- Điều 3- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì người thân thích được hiểu “là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi ba đời”. Vì vậy, trong trường hợp người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì ngoài cha, mẹ, ông, bà, con, cháu…có họ trong phạm vi ba đời thì cả con nuôi của người này cũng có thể là chủ thể được quyền khởi kiện vụ án hôn nhân gia đình để yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người thân của họ khi có tranh chấp về chia tài sản chung, tranh chấp về nuôi con chung. Song, không phải tất cả những người nêu trên đều có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân gia đình để yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người thân của họ khi có tranh chấp về chia tài sản chung, tranh chấp về nuôi con chung mà chỉ có những “người đại diện hợp pháp của họ” mới có quyền thực hiện theo quy định tại Khoản 4- Điều 69-BLTTDS năm 2015 “…người bị mất năng lực hành vi dân sự thì không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. việc thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người này tại Tòa án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện”.

Như vậy, đối chiếu quy định của pháp luật hiện hành thì người có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân gia đình để yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn cũng như  bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị mất năng lực hành vi dân sự khi có tranh chấp về chia tài sản chung, tranh chấp về nuôi con chung phải là cha, mẹ, ông, bà, con, cháu…có họ trong phạm vi ba đời, con nuôi của họ nếu người đó là người đại diện hợp pháp của người bị mất năng lực hành vi dân sự.

  Có thể thấy rằng đây là một bước tiến mới trong nhận thức về quan điểm lập pháp trong việc tạo điều kiện để người bị mất năng lực hành vi dân sự được “giải thoát” khỏi mối quan hệ hôn nhân một khi đời sống chung giữa vợ chồng không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được cũng như bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp cho họ trong các tranh chấp liên quan đến vụ án hôn nhân. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự (BLDS) hiện hành và BLDS năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đều không sử dụng trực tiếp thuật ngữ “người bị bệnh tâm thần” hoặc “người mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình” như Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 mà cả hai Bộ luật trên đều xác định các đối tượng này trong cùng một thuật ngữ “người mất năng lực hành vi dân sự”. Do đó, để tạo sự thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật, thiết nghĩ Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng cần có sự điều chỉnh lại nội dung này cho phù hợp với quy định của BLDS hiện hành cũng như phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 sắp đến có hiệu lực từ ngày 01/01/2017./.

Phòng 9

Liên kết website

Thông kê truy cập