Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Một số điểm mới về các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 được Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (kỳ họp thứ 10) thông qua ngày 25/11/2015, bắt đầu chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 là Bộ luật chứa đựng nhiều quy định mới. Trong đó, về diện tham gia phiên tòa sơ thẩm của Viện kiểm sát cũng có những thay đổi đáng kể. Cụ thể: Theo quy định tại Khoản 2-Điều 21 Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa sơ thẩm đối với những vụ án do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ hoặc đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng, quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc trường hợp Tòa án giải quyết vụ án trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.

So với quy định tại Điều 21-BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm theo quy định tại Điều 21-BLTTDS năm 2015 được mở rộng, bao gồm:

*Đối với trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ:

Theo quy định tại Khoản 2- Điều 97- BLTTDS năm 2015 Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số trong 09 biện pháp để thu thập chứng cứ. Như vậy, Bộ luật tố tụng dân sự lần này quy định Tòa án có thể áp dụng thêm 02 biện pháp mới, đó là: Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú (được quy định tại điểm h) và các biện pháp khác theo quy định của BLTTDS (được quy định tại điểm i).

Do đó, kể từ ngày 01/7/2016 ngoài các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm do Tòa án có thu thập chứng cứ như trước đây (BLTTDS năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm nếu Tòa án có áp dụng biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định tại điểm h và điểm i- Khoản 2-Điều 97.

*Đối với trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm thuộc trường hợp vụ án có đương sự là người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi:

Đây là điểm mới của BLTTDS 2015 khi quy định về các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm đối với các vụ án dân sự nói chung. Sự tham gia phiên tòa sơ thẩm của Viện kiểm sát trong trường hợp này có ý nghĩa về mặt xã hội vô cùng to lớn, giúp họ về cơ bản đảm bảo được các quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia phiên tòa.

 BLTTDS năm 2015 đã  đưa ra những khái niệm tương đối rõ nét về các diện của người “yếu thế” trong xã hội, gồm: người bị mất năng lực hành vi dân sự (được quy định tại Điều 22); người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (được quy định tại Điều 23) và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (được quy định tại Điều 24). Theo đó, trong trường hợp vụ án có đương sự là người thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm.

*Đối với trường hợp Tòa án giải quyết vụ án trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng

Theo quy định tại Khoản 2- Điều 21- BLTTDS 2015, Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm nếu vụ án thuộc trường hợp Tòa án phải giải quyết nhưng chưa có điều luật để áp dụng. Đây là quy định mới về việc Tòa án phải thụ lý, giải quyết yêu cầu của đương sự cả trong trường hợp chưa có điều luật áp dụng để giải quyết yêu cầu của đương sự, đồng thời cũng là nội dung mới về diện tham gia phiên tòa sơ thẩm của Viện kiểm sát.

Tại khoản 2- Điều 4- BLTTDS 2015 cũng xác định vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết lại chưa có điều luật để áp dụng. Theo quy định này, Tòa án chỉ giải quyết các tranh chấp, các yêu cầu đối với quyền, nghĩa vụ về quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản của cá nhân, pháp nhân dựa trên cơ sở bình đẳng,tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (tức là các quan hệ dân sự). Do đó, trong trường hợp này, Viện kiểm sát cũng chỉ tham gia phiên tòa sơ thẩm nếu vụ án có tranh chấp về quyền, nghĩa vụ dân sự.

Như vậy, về cơ bản BLTTDS năm 2015 vẫn giữ nguyên các trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm theo quy định của BLTTDS 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011), song mở rộng thêm các trường hợp cụ thể như đã nêu trên. Với ý nghĩa đảm bảo cho các quy định của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự được chấp hành một cách nghiêm chỉnh và thống nhất, hướng tới xây dựng một Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân, thiết nghĩ việc BLTTDS lần này quy định theo hướng mở rộng về sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm trong giai đoạn hiện nay là thực sự cần thiết, khẳng định ngày một rõ nét hơn về vai trò của Viện kiểm sát trong công cuộc đấu tranh bảo vệ công lý, công bằng và lẽ phải /.

Ngọc Thuận - Phòng 9 VKSND tỉnh Khánh Hoà

Liên kết website

Thông kê truy cập