Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

CÓ NÊN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC KHIẾU NẠI BÀI PHÁT BIỂU CỦA KIỂM SÁT VIÊN TẠI PHIÊN TÒA HÀNH CHÍNH

Hiện nay, có một số trường hợp người khởi kiện khiếu nại bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa hành chính, vì lý do trong nội dung bài phát biểu, Kiểm sát viên không bảo vệ cho quyền lợi của họ. Điển hình như khiếu nại của ông Lê Long ở thị xã Ninh Hòa. Ông cho rằng: bài phát biểu chưa khách quan, không đúng quy định pháp luật, bảo vệ việc làm sai của UBND thị xã Ninh Hòa, không bảo vệ công lý, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của hộ gia đình ông.

Trên thực tế, bài phát biểu là quan điểm, là ý kiến của Kiểm sát viên về việc giải quyết vụ án, không có hiệu lực pháp luật.

Điều 190 Luật TTHC năm 2015 quy định: “Sau khi những người tham gia tố tụng tranh luận và đối đáp xong, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án…”

Như vậy, theo quy định của Luật TTHC 2015, Kiểm sát viên ngoài việc phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án thì Kiểm sát viên còn được quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án. Đây được xem như là kênh quan trọng để Hội đồng xét xử tham khảo đánh giá về tính hợp pháp của đối tượng khiếu kiện. Tuy nhiên, tại số thứ tự 237, phần ba của Danh mục kèm theo Hướng dẫn liên ngành số 24/HD-VKSTC-TATC-BCA-BTP-BQP ngày 08/5/2014 về việc phân loại đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đã liệt kê bài phát biểu của Kiểm sát viên là đối tượng bị khiếu nại.

Khoản 1 Điều 2 Luật khiếu nại số 02/2011/QH13 ngày 01/11/2011 quy định: Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình”. Như vậy, bài phát biểu của Kiểm sát viên chỉ là quan điểm, là ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, của những người tham gia tố tụng và quan điểm, ý kiến về việc giải quyết vụ án để Hội đồng xét xử tham khảo, xem xét và đưa ra quyết định sau cùng. Quyết định sau cùng của Tòa án ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên đương sự nên bản án, quyết định của Tòa án có thể là đối tượng bị khiếu nại. Riêng bài phát biểu không phải quyết định hành chính, không phải hành vi hành chính nên việc bài phát biểu bị khiếu nại là không phù hợp quy định pháp luật.

Do đó, cần xem xét lại quy định về việc bài phát biểu của Kiểm sát viên là đối tượng bị khiếu nại để hạn chế nội dung khiếu nại trùng lặp với nội dung kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án, vì trên thực tế, phần quyết định của Tòa án có thể thống nhất với quan điểm của Kiểm sát viên trong bài phát biểu./.

Nguyễn Huyền - Phòng 10

Thông báo

Liên kết website

Thông kê truy cập