Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Trao đổi về việc có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “trộm cắp tài sản”

Trao đổi về việc có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “trộm cắp tài sản” mà trị giá tài sản chiếm đoạt dưới mức tối thiểu và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án người phạm tội còn thực hiện hành vi “trộm cắp tài sản” khác mà trị giá tài sản chiếm đoạt bằng, trên mức để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chúng ta thấy rằng trong nhiều năm qua, việc xử lý hành vi “Trộm cắp tài sản” của các Cơ quan tiến  hành tố tụng tại thành phố Cam Ranh nói riêng và trên địa bàn tỉnh khánh Hòa nói chung rất nhiều. Có thể nói, việc xử lý tội phạm “Trộm cắp tài sản” chiếm tỷ lệ rất lớn so với các  tội phạm khác. Tuy nhên, trong thực tiễn cũng như việc áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ, việc đối với hành vi, tội phạm này còn nhiều quan điểm khác nhau. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ dừng lại việc nêu một số căn cứ và quan điểm cá nhân trong việc có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không đối với hành vi “Trộm cắp tài sản”, mà trị giá tài sản chiếm đoạt dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (từ điểm a đến điểm đ khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự), trong vụ án người phạm tội còn thực hiện hành vi “Trộm cắp tài sản” khác mà trị giá tài sản chiếm đoạt bằng, trên mức để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đi vào vấn đề, tôi xin được nêu tóm tắt một tình huống giả định như sau:

Vào ngày 01/01/2019, Trần Văn A đến nhà anh Huỳnh Văn B trộm cắp một điện thoại di động của anh B (trị giá 1.800.000 đồng). Đến ngày 09/01/2019, A đến nhà anh Huỳnh Văn C trộm cắp của anh C số tiền 2.500.000 đồng. Sau đó A bị phát hiện. Cơ quan điều tra Công an thành phố H quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự và Công an thành phố H ra quyết định xử phạt hành chính đối với A với số tiền 1.500.000 đồng. Sau đó, Viện kiểm sát thành phố H truy tố A về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự đối với hành vi của A vào ngày 09/01/2019 và chuyển vụ án đến Tòa án thành Phố H để xét xử.

Vào ngày 10/4/2019, A tiếp tục trộm cắp tài sản của anh Huỳnh Văn D, trị giá tài sản là 1.200.000 đồng.

Sau đó, Tòa án thành phố H quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu truy tố hành vi “Trộm cắp tài sản” của A vào ngày 01/01/2019.

Hiện có hai quan điểm đối với việc có hay không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “Trộm cắp tài sản” của A vào ngày 01/01/2019:

- Quan điểm thứ nhất cho rằng: phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi “Trộm cắp tài sản” của A vào ngày 01/01/2019 nhằm tránh bỏ lọt hành vi phạm tội. Do vậy, việc Tòa án thành phố H trả hồ sơ điều tra bổ sung với yêu cầu như trên là đúng.

- Quan điểm thứ hai cho rằng: hành vi “Trộm cắp tài sản” của A vào ngày 01/01/2019 không truy cứu trách nhiệm hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật. Vì vậy không chấp nhận yêu cầu trả điều tra bổ sung của Tòa án thành phố H.

Với quan điểm cá nhân, tôi xin được nêu một số căn cứ và hướng xử lý tình huống trên như sau:

Thứ nhất, tại khoản 1 Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về “Cơ sở của trách nhiệm hình sự” nêu: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy có nghĩa rằng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi người nào đó phạm tội. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Đối chiếu với các quy định trên thì hành vi “Trộm cắp tài sản” của A vào ngày 01/01/2019 không phải là tội phạm vì A không phạm tội đối với hành vi này nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và được xử lý bằng biện pháp khác.

Thứ hai, tại Công văn số 64/TANDTC/PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân Tối cao về việc “Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính” thì theo hướng dẫn tại khoản 3 và 4 Mục I (Phần Hình sự) của Công văn, chúng ta có thể vận dụng “tinh thần” này vào việc xem xét có truy cứu trách nhiệm hình sự hay không đối với cùng loại hành vi “xâm phạm sở hữu”. Theo đó, một người “…phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian…”. Đồng thời hướng dẫn này chỉ áp dụng đối với “…trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần trị giá tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng trị giá tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự…”. Mặt khác, khi xem xét tổng trị giá các tài sản chiếm đoạt để định khung hình phạt tăng nặng thì chỉ xem xét, căn cứ vào các lần phạm tội. Mặt dù Công văn số 64/TANDTC/PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân Tối cao không hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp như nêu trong tình huống. Tuy nhiên với sự phân tích “tinh thần” của Công văn này, cho thấy hành vi “Trộm cắp tài sản” của A vào ngày 01/01/2019 thì không phải là tội phạm vì đã bị xử phạt hành chính nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là có cơ sở.

Trong tình huống trên là nếu thực hiện theo yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án thành phố H thì Công an thành phố H phải hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính đối với A về hành vi “Trộm căp tài sản” ngày 01/01/2019 dẫn đến hành vi “Trộm cắp tài sản” ngày 10/4/2019 không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”.

Bởi các lẽ trên, thấy rằng việc không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi của A vào ngày 01/01/2019 là có cơ sở và phù hợp với quy định pháp luật. Bên cạnh đó phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A về hành vi “Trộm cắp tài sản” ngày 10/4/2019.

Vì tính cấp thiết, phổ biến trong một vài nội dung của tình huống nêu trên trong thực tiễn áp dụng pháp luật và quan điểm xử lý các vụ án hình sự về tội “Trộm cắp tài sản”, tôi xin mạnh dạn nêu quan điểm và nhận định của mình theo suy nghĩ cá nhân để các anh, chị tham khảo; mong nhận được sự đóng góp, trao đổi ý kiến của các đồng nghiệp.

Qua bài viết, cũng đề nghị Ngành cấp trên xem xét có hướng dẫn cụ thể việc giải quyết vấn đề trên để thực hiện thống nhất, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Nguyễn Đình Hải - VKSND TP Cam Ranh

Liên kết website

Thông kê truy cập