Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Một số kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án trong hoạt động thi hành án dân sự

Công tác kiểm sát thi hành dân sự nói chung, trong đó hoạt động kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án của Viện kiểm sát có vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo cho hoạt động THADS được thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần bảo đảm quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, đảm bảo các quyết định, bản án của Tòa án được thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật.

Trong thời gian qua, công tác kiểm sát THADS đã được Lãnh đạo VKSND quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo. Qua kiểm sát đã phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm của Cơ quan THADS để kiến nghị, kháng nghị yêu cầu chấn chỉnh, sữa chữa, khắc phục nhằm đảm bảo cho việc xác minh điều kiện thi hành án được thực hiện đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án của VKSND huyện vẫn còn một số thiếu sót, hạn chế:


Một số công chức, Kiểm sát viên chưa đề cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác, nhận thức về công tác kiểm sát thi hành án có phần chưa đầy đủ, còn xem nhẹ, chưa chú trọng khâu công tác này, còn thụ động, lơ là, ngại va chạm, nể nang, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong quá trình kiểm sát thi hành
án nên có những hạn chế, thiếu sót, vi phạm của Cơ quan thi hành án dân sự chưa được phát hiện kịp thời để kiến nghị, kháng  nghị yêu cầu khắc phục.


Trong khi tiến hành kiểm sát đôi lúc chưa nghiên cứu đầy đủ, toàn diện hồ sơ thi hành án nên chưa phát hiện được các vi phạm của CHV trong việc xác minh điều kiện thi hành án, chỉ phát hiện một vài trường hợp vi phạm nhỏ, không phát hiện được vi phạm lớn, hoặc những vi phạm mang tính chất phổ biến, thường xuyên xảy ra đến khi Phòng 8 Viện KSND tỉnh phối hợp với VKS huyện trực tiếp Kiểm sát mới phát hiện.

Một số kết luận kiểm sát nội dung vi phạm còn chung chung, chưa viện dẫn cụ thể điểm khoản, điều luật vi phạm; một số kiến nghị chưa nêu rõ yêu cầu khắc phục những vi phạm pháp luật nào, chỉ khái quát yêu cầu khắc phục vi phạm đã nêu...


1. Một số kinh nghiệm kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự


Từ những tồn tại hạn chế nêu trên, chúng tôi trao đổi một số kinh nghiệm khi kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, để tránh có những sai sót tồn tại trong quá trình thi hành án dân sự nói chung và giải quyết đối với từng việc thi hành án dân sự nói riêng nhằm nâng cáo chất lượng hiệu quả giải quyết việc thi hành án dân sự.

Thứ nhất: Phải nắm chắc quy định của pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án, về thẩm quyền của Viện kiểm sát trong kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án; thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật liên quan đến xác minh điều kiện thi hành án; về thời hạn xác minh như hết thời hạn tự nguyện THA, thời hạn xác minh đối với người chấp hành hình phạt tù, hoặc không xác minh được địa chỉ của người phải thi hành án...

Muốn kiểm sát tốt việc xác minh điều kiện thi hành án thì bắt buộc kiểm sát viên phải nắm chắc quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thời hạn xác minh điều kiện thi hành án. Hiện tại, xác minh điều kiện thi hành án được quy định tại: Luật Tổ chức VKSND năm 2014 (Điều 28 - Nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi kiểm sát thi hành án dân sự,  thi hành án hành chính); Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao quy định về kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự tại Điều 10; Luật thi hành án dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về xác minh điều kiện thi hành án tại Điều 44; Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự, đã quy định về xác minh điều kiện thi hành án tại Điều 9; Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC- VKSNDTC ngày 01/8/2016 của liên ngành Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, VKSND tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, quy định về xác minh điều kiện thi hành án tại Điều 3.

Thứ hai: Kịp thời phát hiện vi phạm của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án: Luật thi hành án dân sự chỉ quy định cơ quan thi hành án dân sự phải gửi cho Viện kiểm sát các quyết định về thi hành án mà không quy định gửi tài liệu xác minh điều kiện thi hành án, do đó, muốn kiểm sát được kết quả xác minh, kiểm sát viên phải thông qua nhiều nguồn như:

- Thông tin qua các hoạt động nghiệp vụ của VKSND, các cơ quan hữu quan, nguồn tin do nhân dân cung cấp, do Báo, Đài hoặc do Viện kiểm sát cấp trên chuyển đến Viện kiểm sát hoặc vi phạm cụ thể của chấp hành viên trong hoạt động xác minh điều kiện thi hành án;

- Qua kiểm sát hồ sơ thi hành án, hồ sơ bán đấu giá tài sản, tài liệu do đương sự cung cấp; tài liệu do Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cung cấp; hoặc đối chiếu với tài liệu sẵn có của VKSND.

- Qua nghiên cứu hồ sơ thi hành án: Hồ sơ nghiệp vụ thi hành án phải thể hiện được toàn bộ quá trình tổ chức thi hành án của chấp hành viên. Trong đó, chấp hành viên phải ghi chép các công việc, lưu giữ tất cả các tài liệu đã và đang thực hiện vào hồ sơ nghiệp vụ thi hành án gồm: Bản án, quyết định; quyết định thi hành án; các biên bản bàn giao, xử lý vật chứng, tài sản đó kê biên, tạm giữ, biên bản xác minh, biên bản giải quyết việc thi hành án (có đầy đủ chữ ký của đương sự trong các trong biên bản)... Phát hiện vi phạm từ việc nghiên cứu hồ sơ thi hành án chủ yếu được thực hiện thông qua công tác trực tiếp kiểm sát thi hành án dân sự hoặc từ việc nghiên cứu hồ sơ thi hành án do cơ quan thi hành án dân sự cung cấp theo yêu cầu của Viện kiểm sát. Đây là trường hợp kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về thi hành án và xác minh điều kiện thi hành án toàn diện và đầy đủ nhất, thuận lợi nhất.

- Từ đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự hoặc kiểm sát hồ sơ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự...

Thứ ba: Khi kiểm sát việc xác minh đối với các loại tài sản như ô tô, xe máy… là những loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu thì ngoài yêu cầu cơ quan quản lý cung cấp thông tin về chủ sở hữu còn phải làm việc với người phải thi hành án xem tài sản đó hiện do ai quản lý, nếu đã chuyển nhượng thì chuyển nhượng vào ngày tháng năm nào, lý do chưa làm thủ tục sang tên; sau khi biết được người nhận chuyển nhượng phải tiến hành làm việc với người đang quản lý tài sản để xác minh làm rõ việc mua bán là ngay tình hay tẩu tán tài sản. Phải xác minh làm rõ tài sản mới được ra các quyết định tiếp theo tránh tình trạng chỉ mới xác minh ở cơ quan quản lý đã ra quyết định kê biên tài sản…

Thứ tư: Kiểm sát việc xác minh tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, kiểm sát viên cần phân biệt rõ diện tích đất đó là đất cấp hay đất mua. Đất được cấp thì có đất cấp cho hộ gia đình trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, đối với loại đất này cần yêu cầu chấp hành viên xác minh làm rõ thời điểm cấp, cấp cho bao nhiêu người, mỗi người được cấp bao nhiêu mét vuông,  phân định rõ diện tích của người phải thi hành án trong tổng diện tích trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình. Đối với đất cấp cho cá nhân cũng cần làm rõ đất đó hình thành từ nguồn tiền nào có tranh chấp gì không, cần có biên bản làm việc với các thành viên đang sống trên diện tích đó để làm rõ xem có tranh chấp gì không. Đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên một mình người chồng cần tiến hành xác minh với các thành viên đang sinh sống trong ngôi nhà đó, trong biên bản và ghi đầy đủ ý kiến của các thành viên và người liên quan. Đối với Giấy chứng nhận cấp mang tên của cả vợ và chồng thì ngoài xác minh đối với vợ chồng, cần xác minh với các thành viên trong gia đình và người liên quan (nếu có). Tóm lại: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp đứng tên cá nhân, đứng tên vợ, chồng, cấp cho hộ gia đình thì việc kiểm sát xác minh cần làm chặt chẽ phải có biên bản xác minh đối với từng thành viên trong gia đình và người liên quan (nếu có) nhằm bảo đảm trước khi tiến hành kê biên, bán đấu giá tài sản đó không còn tranh chấp (tài sản sạch)...

Thứ năm: Về công tác chỉ đạo, điều hành: Trước hết, Lãnh đạo phải nhận thức, đánh giá đúng tầm quan trọng của công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung và công tác kiểm sát việc tổ chức xác minh điều kiện thi hành án dân sự nói riêng để có sự đầu tư đúng, đủ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của khâu công tác này.

Thứ sáu: Về tổ chức cán bộ Cần thay đổi nhận thức “công tác kiểm sát thi hành án dân sự là đơn giản, không quan trọng bằng các khâu công tác khác” để mỗi công chức, Kiểm sát viên nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm sát thi hành án dân sự nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự nói chung và công tác kiểm sát việc tổ chức xác minh điều kiện thi hành án dân sự nói riêng; cần tăng cường ý thức trách nhiệm, kỷ luật; tự giác học tập, đúc rút kinh nghiệm, nghiên cứu kịp thời các văn bản pháp luật mới ban hành, tích cực học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để nâng cao trình độ, nắm vững các quy định của pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành; không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp từ đó xác định chính xác vi phạm của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan, kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Viện ban hành kiến nghị, kháng nghị nhằm khắc phục các vi phạm trong hoạt động thi hành án dân sự

Thứ bảy: Đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn là cơ sở quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự. Định kỳ tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho công chức toàn ngành về công tác kiểm sát thi hành án dân sự theo hướng chuyên sâu để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ; thông báo và khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân làm tốt công tác công tác kiểm sát việc tổ chức xác minh điều kiện thi hành án dân sự.

Thứ tám: Về quan hệ phối hợp: Viện kiểm sát cần phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự để họ cung cấp cho mình những thông tin, tài liệu về xác minh điều kiện thi hành án để tiến hành kiểm sát. Viện kiểm sát hàng tuần cần liên hệ với cơ quan thi hành án để họ cung cấp các biên bản mới lập khi xác minh để tiến hành kiểm sát. Thông qua việc kiểm sát các biên bản xác minh điều kiện thi hành án phát hiện kịp thời các vi phạm, những mâu thuẫn, những việc cần xác minh để đề ra yêu cầu cần xác minh. Để thuận tiện cho việc kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, Viện kiểm sát cần đưa vào quy chế phối hợp quy định rõ sau khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên phải phô tô biên bản xác minh gửi cho Viện kiểm sát để việc kiểm sát được kịp thời. Đối với các đơn vị trong ngành cần thực hiện tốt sự phối hợp ngang cấp và cấp dưới, khi cần thiết cần báo cáo, thỉnh thị VKSND cấp trên trực tiếp để nhận được quan điểm chỉ đạo, từ đó nghiên cứu, vận dụng nhằm kiểm sát thi hành án dân sự hiệu quả, đúng pháp luật. Đồng thời, cần quản lý đầy đủ tình hình chấp hành pháp luật và xử lý kịp thời những vi phạm và tội phạm xảy ra trong thi hành án dân sự, tăng cường mối quan hệ phối hợp với cơ quan hữu quan để kịp thời phát hiện những vi phạm trong việc xác minh điều kiện thi hành án của chấp hành viên.


2. Giải pháp n
âng cao chất lượng công tác kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án.


Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, đảm bảo Bản án, Quyết định của Tòa án được thi hành kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, Nhà nước, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:          


Thứ nhất
, Cán bộ, Kiểm sát viên được phân công đảm nhiệm công tác kiểm sát thi hành án dân sự phải tự tu dưỡng đạo đức cách mạng, chịu khó học tập để nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật nói chung và kiến thức pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến công tác thi hành án dân sự. Nắm chắc và tuân thủ Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính để vận dụng vào công tác chuyên môn nghiệp vụ.


Thứ hai
, tăng cường công tác kiểm sát việc xác minh, phân loại việc có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành đảm bảo chính xác, đúng pháp luật ngay từ đầu. Chủ động phối hợp với Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án hoặc trực tiếp xác minh việc phân loại chưa có điều kiện của cơ quan THADS khi thấy cần thiết nhằm phát hiện vi phạm, thiếu sót của cơ quan THADS để có biện pháp giải quyết kịp thời.  


Thứ ba
, tăng cường sự phối hợp giữa Viện kiểm sát với các ngành, các cơ quan liên quan trong công tác THADS để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án. Đồng thời cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan như Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án, Ủy ban nhân dân các cấp, Văn phòng đăng ký đất đai trong việc xác minh điều kiện thi hành án, ngăn chặn người phải thi hành án tẩu tán tài sản.


Thứ tư
, thường xuyên tổng hợp các dạng vi phạm; áp dụng các biện pháp kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu để khắc phục những tồn tại thiếu sót. Kiên quyết xử lý những vi phạm pháp luật trong việc phân loại việc thi hành án; thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm và thông báo những kinh nghiệm tốt để học tập, rút kinh nghiêm chung.


Thứ năm,
tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác kiểm sát thi hành án, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Phổ biến kịp thời văn bản pháp luật mới liên quan đến hoạt động THADS nói chung và việc tổ chức xác minh điều kiện thi hành án dân sự nói riêng cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự cập nhật kịp thời, nghiên cứu, vận dụng vào công tác chuyên môn.

Trên đây là một số kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc xác minh điều kiện thi hành án, rất mong nhận được sự quan tâm đóng góp của các đồng chí./.

Trung Hiếu

Liên kết website

Thông kê truy cập