Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

Nhiệt liệt chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Cảnh báo hiểm họa từ việc chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép

Viện kiểm sát nhân dân huyện Vạn Ninh vừa ban hành văn bản kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật đối với ông Trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Vạn Ninh, trong việc triển khai các biện pháp phòng ngừa các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chế tạo và sử dụng các vật liệu nổ nói chung và pháo nổ nói riêng.

Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. Viện kiểm sát nhân dân huyện Vạn Ninh nhận thấy trong thời gian vừa qua trên địa bàn huyện Vạn Ninh đã xảy ra nhiều vụ việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ có sự tham gia, thực hiện của các em học sinh đang học tập tại các trường học trên địa bàn. Từ đó gây mất trật tự an toàn xã hội và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính các em học sinh và của những người thân trong gia đình. Hiện nay trên mạng internet có nhiều bài viết, video hướng dẫn cách thức chế tạo pháo nổ và có nhiều trang mạng rao bán công khai nguyên, vật liệu để chế tạo pháo nổ dẫn đến sự kích thích, tò mò của các em học sinh, mặt khác các em cũng có thể dễ dàng tìm mua nguyên liệu để chế tạo pháo nổ. Điển hình là vụ việc xảy ra vào tháng 12/2024, Các em học sinh học tại các trường Trung học cơ sở ở khu vực phía bắc huyện Vạn Ninh gồm Hồ Văn Đ (trú: Tây Nam 1, Đại Lãnh), Đỗ Gia T (trú: Đông Nam, Đại Lãnh), Lưu Phạm Đăng K (trú: Ninh Mã, Vạn Thọ), Nguyễn Thành V (trú: Tuần Lễ, Vạn Thọ), Võ Hữu Kh (trú: Tân Phước Bắc, Vạn Phước) nhận thấy có thể kiếm tiền từ việc chế tạo pháo và phục vụ việc đốt giải trí, nên cả nhóm đã lên các sàn giao dịch thương mại điện tử là Tiktokshop và Shoppe tìm mua các nguyên, vật liệu gồm: bột Kali nitrat (KNO3), Natri (Na), bột Lưu huỳnh (S), các viên bóng nhựa, bột than và một số nguyên, vật liệu khác. Sau đó, cả nhóm tiến hành chế tạo được 89 trái pháo nổ, rồi đem đi đốt nổ 41 trái pháo, còn lại thì đem bán cho những em học sinh học tại trường THCS Chi Lăng tại xã Đại Lãnh gồm: Lại Huy Đ, Nguyễn Khánh D, Nguyễn Anh H. Vụ việc sau đó bị Công an xã Đại Lãnh phát hiện, tạm giữ nhiều pháo tự chế, công cụ và vật liệu phục vụ cho việc chế tạo pháo nổ từ nhóm của Đại.

Cảnh báo hiểm họa từ việc chế tạo, sử dụng pháo nổ trái phép
Ảnh minh họa

Từ vụ việc nêu trên có thể thấy rằng việc mua nguyên, vật liệu tự chế tạo pháo nổ tại gia đình của nhóm Hồ Văn Đ xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về vấn đề pháo nổ nói riêng, chất gây cháy, gây nổ nói chung của các em học sinh còn hạn chế, các em học sinh không nhận thức, không lường trước được hành vi mua bán, vận chuyển, chế tạo vật liệu nổ, pháo nổ có thể gây nên hậu quả rất nghiêm trọng là tước đi sinh mạng của chính mình, của người thân, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản… ; mặt khác còn có nguyên nhân là do sự sơ hở trong quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường.

Vì vậy, để phòng ngừa các vụ việc tương tự và để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của các em học sinh, gia đình và nhân dân; góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội tại địa phương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Vạn Ninh kiến nghị ông Trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện Vạn Ninh tổ chức thực hiện một số biện pháp, giải pháp phòng ngừa như sau:

1. Chỉ đạo Ban giám hiệu các trường Trung học cơ sở trên địa bàn huyện thông báo, tuyên truyền đến toàn thể học sinh được biết về mức độ nguy hiểm khi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chế tạo và sử dụng các vật liệu nổ nói chung và pháo nổ nói riêng. Đồng thời yêu cầu học sinh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuyệt đối không tham gia và thực hiện các hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán vật liệu nổ, không chế tạo và sử dụng pháo nổ; Phối hợp với gia đình học sinh thường xuyên nắm bắt diễn biến tâm lý, tâm tư nguyện vọng của học sinh và tăng cường sự phối hợp với gia đình để quản lý, giám sát đối với học sinh về thời gian, giờ giấc, các hoạt động vui chơi, giải trí; Vận động các em học sinh và gia đình nếu có vật liệu nổ, pháo nổ tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

2. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức các buổi nói chuyện, tọa đàm với học sinh về chuyên đề phòng, chống tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán vật liệu nổ; chế tạo và sử dụng pháo nổ; lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật cho học sinh vào các môn học, buổi học phù hợp, các buổi sinh hoạt ngoại khóa… Từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa, ý thức trách nhiệm của các em trong việc phòng chống tội phạm, tai nạn liên quan đến vật liệu nổ, pháo nổ.

Ngọc Hà - VKSND huyện Vạn Ninh

Liên kết website

Thông kê truy cập