Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Vướng mắc về việc giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự của Viện kiểm sát. Giải pháp thực tiễn giải quyết vướng mắc

Thời gian qua, trong thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát có nảy sinh vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật cần phải được sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật để việc giải quyết khiếu nại được thực hiện dễ dàng, chính xác. Trong bài viết này tôi đề cập đến những vướng mắc trong việc áp dụng Chương XXXIII của Bộ luật tố tụng hình sự trong giải quyết khiếu nại. cụ thể là trường hợp giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.
1.Vướng mắc về thời hạn giải quyết khiếu nại.

Thời hạn Viện kiểm sát giải quyết khiếu nại được quy định tại các Điều 474, Điều 475 và Điều 476 Bộ luật tố tụng hình sự. Theo đó thời hạn giải quyết tùy theo từng loại khiếu nại của Viện kiểm sát là 24 giờ, 07 ngày hoặc 15 ngày.

Trong các nội dung khiếu nại quy định tại các Điều 474, 475, 476 Bộ luật tố tụng hình sự thì nhiều trường hợp Viện kiểm sát muốn giải quyết khiếu nại phải chờ kết quả giải quyết của các cơ quan khác như các kết luận giám định, kết luận định giá…, mà có thể thấy rằng trong thực tiễn thì thời gian để các cơ quan trả lời các kết luận thường kéo dài và không phù hợp với thời hạn giải quyết khiếu nại nên xảy ra tình trạng khi có kết quả trả lời thì đã vi phạm về thời hạn giải quyết.

2.Vướng mắc trong việc áp dụng thẩm quyền giải quyết điều 475 Bộ luật tố tụng hình sự

             Khoản 1 Điều 475 Bộ luật tố tụng hình sự qui định:

“……….

Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra và các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp thì trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu việc giải quyết khiếu nại lần đầu do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phải xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là quyết định có hiệu lực pháp luật.

            ………”
Từ qui định trên ta thấy có 02 trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp:

Thứ nhất: Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra

Thứ hai : Khiếu nại đối với các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn.

Trường hợp thứ nhất không có vướng mắc gì về  thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát, nhưng ở trường hợp thứ hai khiếu nại đối với các quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn đã làm nảy sinh vướng mắc về cách hiểu về thẩm quyền giải quyết. Do điều luật sử dụng cụm từ “Đã được Viện kiểm sát phê chuẩn” nên có thể hiểu là chỉ những quyết định mà Viện kiểm sát đã phê chuẩn mới thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát còn những quyết định Viện kiểm sát chưa phê chuẩn thì thẩm quyền giải quyết là của Cơ quan điều tra.

Với cách hiểu này trên thực tiễn đã nảy sinh vướng mắc cụ thể như sau:

Cơ quan điều tra khởi tố bị can, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để đề nghị phê chuẩn theo quy định tại Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự. Viện kiểm sát có yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc phê chuẩn. Trong thời gian Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu, bị can khiếu nại quyết định khởi tố bị can (Phó thủ trưởng ký).

Với qui định trên thì quyết định khởi tố bị can chưa được Viện kiểm sát phê chuẩn thuộc thẩm quyền giải của Thủ trưởng Cơ quan điều tra theo quy định tại khoản 1 Điều 475 Bộ luật tố tụng hình sự : “Khiếu nại đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trừ khiếu nại về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam do Thủ trưởng Cơ quan điều tra xem xét, giải quyết …….”

            Sau khi nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, bị can tiếp tục khiếu nại đến Viện kiểm sát. Trường hợp này, Viện kiểm sát không thể quyết định được việc bác đơn khiếu nại hay chấp nhận đơn khiếu nại do chưa thể xác định quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra là có căn cứ hay không có căn cứ vì vẫn đang chờ Cơ quan điều tra bổ sung tài liệu, chứng cứ cho việc xét phê chuẩn trong khi thời hạn giải quyết khiếu nại trong trường hợp này là bảy ngày kể từ ngày Viện kiểm sát nhận được khiếu nại.

Quyết định khởi tố bị can là quyết định phải có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát. Do vậy qui định như trên sẽ tước đi quyền được giải quyết khiếu nại lần hai của người khiếu nại do Viện kiểm sát cấp trên giải quyết và gây khó khăn trong việc giải quyết khiếu nại như đã nêu trên về căn cứ giải quyết và thời hạn giải quyết.

3.Kiến nghị, giải giải pháp tháo gỡ vướng mắc.

3.1.Kiến nghị giải pháp về mặt pháp luật.

 -Đối với 02 khó khăn đã nêu trên về thời hạn giải quyết khiếu nại, cần bổ sung quy định các trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp vào Luật khiếu nại và các Chương giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.

Do trong nhiều trường hợp khi giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền, cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại nói chung trong nhiều trường hợp cần phải chờ kết luận, trả lời của cơ quan khác mới có căn cứ để giải quyết khiếu nại…… chứ không phải chỉ riêng trong trường hợp chờ kết quả của việc bổ sung tài liệu, chứng cứ của Cơ quan điều tra về việc xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can theo yêu cầu của Viện kiểm sát cùng cấp. Khi có kết quả trả lời để giải quyết thì đã vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do vậy, để tránh vi phạm này thì việc bổ sung quy định các trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết là có cơ sở và sẽ hạn chế vi phạm về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo và giúp cho việc giải quyết khiếu nại được chính xác, có căn cứ.

-Đối với quy định về thẩm quyền giải quyết tại Điều 475 Bộ luật tố tụng hình sự, cần sửa đổi cụm từ “Đã được Viện kiểm sát phê chuẩn” thành “do Viện kiểm sát phê chuẩn”. Quy định như vậy sẽ làm rõ hơn, đúng ý nghĩa hơn cho việc giải quyết khiếu nại. Các quyết định của Cơ quan điều tra đã được Viện kiểm sát phê chuẩn hay chưa phê chuẩn đều thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát cùng cấp.

Tuy nhiên, việc sửa chữa, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật không diễn ra trong một sớm, một chiều mà cần phải có quy trình, kéo dài và tốn nhiều thời gian. Để giải quyết vướng mắc trên, tôi đề xuất một giải pháp giúp cho việc giải quyết khiếu nại được thuận lợi mà không dẫn đến vi phạm về thời hạn giải quyết khiếu nại.

3.2. Giải pháp thực tiễn tháo gỡ vướng mắc.

Trên cơ sở quy định của của Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC-TATC-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT ngày 05/9/2018 quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo (Thông tư liên tịch số 02); Quy định của Quy chế Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02 tháng 02 năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế 51) thì đơn khiếu nại quy định tại Chương XXXIII Bộ luật tố tụng hình sự phải qua giai đoạn tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại. 

Cụ thể : Theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch số 02 và Điều 9 Điều 10 của Quy chế 51 thì giai đoạn tiếp nhận và xử lý đơn là nhằm xác định các điều kiện thụ lý đơn và thẩm quyền giải quyết đơn. Thời hạn giải quyết khiếu nại chỉ được tính kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại sau khi đã xác định đơn khiếu nại đủ điều kiện thụ lý.

Trong giai đoạn tiếp nhận và xử đơn khiếu nại, pháp luật không quy định thời hạn tiếp nhận và xử lý đơn do vậy trong trường hợp trên (những trường hợp giải quyết khiếu nại gặp vướng mắc như đã trình bày) thì khi xem xét tiếp nhận đơn chỉ nên thụ lý, giải quyết khi những vướng mắc không còn, như vậy khó khăn vướng mắc đã có thể tạm thời giải quyết mà không bị vi phạm về thời hạn giải quyết. Tuy nhiên, giải pháp trong trường hợp này chỉ là tạm thời, giải quyết tình huống tạm thời trong thực tiễn áp dụng pháp luật về giải quyết khiếu nại trong tố tụng hình sự mà không giải quyết tận gốc những khó khăn, vướng mắc.

   Trên đây là quan điểm của cá nhân trong việc giải quyết vướng mắc trong thực tiễn giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát, rất mong nhận được sự trao đổi ý kiến từ các đồng nghiệp./.
Người viết: Hoàng Kim Ngọc

Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập