Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Trao đổi nghiệp vụ: Cao H có phạm tội “Hiếp dâm” hay không?

Trên cơ sở bài trao đổi nghiệp vụ “Cao H có phạm tội hiếp dâm hay không?” do tác giả Nguyễn Văn Doanh – Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn trao đổi được đăng tải trên trang tin của ngành ngày 04/9/2018, sau khi nghiên cứu các tình tiết vụ án cũng như quan điểm giải quyết vụ án đã được tác giả đưa ra, tôi xin trao đổi và đưa ra quan điểm cá nhân để tác giả và các bạn đọc tham khảo ý kiến.
Dựa trên các tình tiết vụ án mà tác giả đưa ra, tôi cho rằng Cao H không phạm tội “Hiếp dâm” bởi các căn cứ sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 141 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS) thì tội “Hiếp dâm” được định nghĩa như sau: “người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn của nạn nhân”. Có thể thấy rằng tội “hiếp dâm” là tội có cấu thành vật chất. Hậu quả hành vi giao cấu là căn cứ để xác định tội phạm đã hoàn thành hay chưa hoàn thành. Trong vụ án này, Cao H chưa giao cấu được với Cao Thị M nên tội phạm trên thực tế là chưa đạt và chưa hoàn thành.
Điều 16 BLHS quy định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là “tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”. Tôi đồng ý với tác giả ở điểm “chỉ xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội nếu tội phạm đó ở giai đoạn phạm tội chưa đạt, chưa hoàn thành”. Như vậy, ở vụ án này Cao H chấm dứt không thực hiện hành vi phạm tội trong giai đoạn tội phạm chưa đạt và chưa hoàn thành. Việc xác định H có tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi hiếp dâm ngoài ý muốn chủ quan của H hay không là căn cứ để truy cứu TNHS.
Trở lại vụ án này, thì khi Cao H kéo Cao Thị M vào trong chòi rẫy, dùng tay sờ vào ngực và ôm hôn M. M chống cự và có cắn một nhát vào tay của Cao H. Cao H nói “mày nằm im không tao đánh” và tiếp tục dùng tay mở khoá và kéo quần của M xuống đến đầu gối, lúc này M vùng vẫy mạnh và khóc to. Hành vi dùng vũ lực của H cho thấy sự gia tăng quyết liệt đối với M và “vùng vẫy mạnh và khóc to” phần nào thể hiện sự bất lực của M trong việc chống trả. Đặt hành vi chống trả của M vào trong bối cảnh hiện trường vụ án là khu vực rẫy vắng vẻ, ít người qua lại tương quan với hành vi của H thì sự phản kháng của M chưa đến mức mà Cao H phải từ bỏ vì không thể giao cấu được, H hoàn toàn có thể sử dụng vụ lực mạnh hơn để đạt được việc giao cấu. H ngừng hành vi của mình là do Cao H nghĩ thấy tội nghiệp (theo lời khai của Cao H) nên đã dừng lại và bỏ đi về nhà, lời khai này là có cơ sở.
Mặt khác, về góc độ chứng minh thì chỉ có lời khai của M và H xác định sự việc. Lời khai của H về ý định chủ quan của mình là thấy “tội nghiệp” mà không giao cấu với M phải được xem xét, chấp nhận vì CQĐT không thể chứng minh H có ý định nào khác trong khi trên thực tế H không giao cấu với M mà bỏ đi về nhà. Như vậy ở trường hợp này CQĐT chỉ xác định được Cao H tự ý chấm dứt hành vi giao cấu với M là do ý muốn của H chứ không phải do H không thể thực hiện được đến cùng vì sự chống cự của M. Thậm chí ngay cả trong trường hợp H sợ bị phát hiện do nghĩ rằng M sẽ tố cáo mà không thực hiện hành vi giao cấu nữa cũng được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.
Như vậy, trên cơ sở phân tích trên thì Cao M không phạm tội “Hiếp dâm” đối với Cao Thị M. Nếu hành vi trên thực tế của H đã đủ căn cứ về tội khác như tội “Làm nhục người khác” thì H phải chịu trách nhiệm về tội này.
Trên đây là ý kiến của tôi xin được trao đổi đến tác giả cũng như các bạn đọc về quan điểm đánh giá chứng cứ vụ án, rất mong được ý kiến phản hồi.

Hoàng Kim Ngọc - Thanh tra VKSND tỉnh Khánh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập