Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Quyền tự định đoạt của đương sự theo quy định của Luật tố tụng hành chính Việt Nam

Ra đời trong bối cảnh đất nước có nhiều chuyển biến tích cực, với chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, cùng với việc Việt Nam đã là thành viên của nhiều điều ước quốc tế và đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhất là kể từ sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là“... mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính; đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án...”  Nghị quyết này cũng đặt ra yêu cầu “Xây dựng cơ chế bảo đảm cho mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành, các cơ quan hành chính vi phạm bị xử lý theo phán quyết của Tòa án phải nghiêm chỉnh chấp hành”. Điều đó đã đặt ra nước ta đứng trước yêu cầu bức thiết là phải thực hiện pháp điển hoá các quy định của pháp luật tố tụng nhằm giải quyết các khiếu kiện về hành chính, hay nói khác hơn là chúng ta đứng trước yêu cầu cấp bách của việc phải ban hành luật tố tụng quy định các trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính cũng như việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính. Bởi, một khi Nhà nước hướng đến xây dựng một Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, quyền của công dân được đề cao, lợi ích hợp pháp của tổ chức được chú trọng thì việc xây dựng cơ chế pháp lý với các quy phạm pháp luật phải rõ ràng, cụ thể về lĩnh vực tố tụng hành chính chính là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Đây vừa là cơ sở pháp lý giúp cho người dân “tự bảo vệ mình”, cũng vừa là căn cứ để Cơ quan có thẩm quyền thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình khi tham gia vào các vụ án hành chính. Trong bối cảnh đó, Luật tố tụng hành chính được ban hành năm 2010 đã ghi nhận một trong những quyền quan trọng nhất của đương sự, gần như có tính “tối thượng” của họ- Đó là quyền tự định đoạt.

Quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng được hiểu là quyền của đương sự được tự do bày tỏ, trình bày quan điểm, ý chí và nguyện vọng của mình trong quá trình tố tụng đó. Đó có thể là quyền khởi kiện, quyền bổ sung hoặc thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện hoặc yêu cầu giải quyết, quyền được tự thỏa thuận, hòa giải với đương sự hoặc các vấn đề khác có liên quan trong quá trình tố tụng. Theo đó, quyền tự định đoạt của đương sự trong tố tụng hành chính được hiểu là quyền của các đương sự trong vụ án hành chính được tự do bày tỏ, trình bày quan điểm, ý chí, nguyện vọng của mình đối với yêu cầu của đương sự khác trong vụ án hành chính.

Thực tế, trong lĩnh vực tố tụng hành chính, văn bản pháp luật chứa đựng các quy định về trình tự thủ tục khởi kiện, giải quyết các vụ án hành chính đầu tiên của nước ta là Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính được ban hành năm 1996 đã có ghi nhận về quyền tự định đoạt của đương sự trong vụ án hành chính. Theo đó, tại Điều 3 của Pháp lệnh này quy định Người khởi kiện vụ án hành chính có thể đồng thời yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại; trong trường hợp này các quy định của pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự cũng được áp dụng để giải quyết yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.
Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Toà án tạo điều kiện để các bên có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người khởi kiện vụ án có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung đơn kiện.
Từ quy định này, chúng ta có thể thấy rằng pháp luật tố tụng hành chính thời điểm này đã xác định các bên đương sự trong vụ án hành chính được quyền thỏa thuận về việc giải quyết vụ án. Việc pháp luật cho phép các bên đương sự được thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án đồng nghĩa với việc các bên đương sự có quyền quyết định các nội dung liên quan để vụ án được giải quyết, mà cụ thể là các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của chính họ trong vụ án đó. Ở đây, quyền tự định đoạt của đương sự được pháp luật đảm bảo bằng việc quy định người khởi kiện có quyền rút một phần hoặc toàn bộ nội dung đơn kiện và ngược lại bên bị kiện cũng có quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ Quyết định hành chính mà mình ban hành đang bị khiếu nại. Đồng thời, quy định tại Điều 3-Pháp lệnh này cũng quy định Cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính là Tòa án phải tạo điều kiện để các bên đương sự thực hiện việc thỏa thuận với nhau nhằm đi đến sự thống nhất chung trong việc giải quyết vụ án.

Đến khi Luật tố tụng hành chính chính thức được ban hành vào năm 2010 thì quyền tự định đoạt của đương sự trong vụ án hành chính được xác định tại Điều 7 với tên gọi là “Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện qua nội dung “Cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền quyết định việc khởi kiện vụ án hành chính. Tòa án chỉ thụ lý vụ án hành chính khi có đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, người khởi kiện có quyền rút, thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của mình theo quy định của Luật này”. Ngoài ra, nội dung quyền tự định đoạt của đương sự trong vụ án hành chính tại Luật tố tụng hành chính năm 2010 còn được thể hiện tại các Điều 50-Khoản 2 quy định về “Quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện” với nội dung người khởi kiện có quyền “rút một phần hoc toàn bộ yêu cầu khi kiện; thay đổi, bổ sung nội dung yêu cầu khkiện, nếu thi hiệu khi kiệvẫn còn” và tại Điều 51-Khoản 3 quy định về “Quyền, nghĩa vụ của người bị kiện” với nội dung người bị kiện có quyền “sửa đổi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buc thôi vic, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khi kiện; dừng, khc phc hành vi hành chính bị khi kiện”.

So với Luật tố tụng hành chính được ban hành năm 2010 thì Luật tố tụng hành chính năm 2015 về nội dung và cách thức thể hiện quyền tự định đoạt của đương sự gần như là như nhau, chỉ có điểm mới là Luật tố tụng hành chính năm 2015 không chỉ quy định quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được thể hiện tại các điều luật quy định về các quyền, nghĩa vụ của người khởi kiện, người bị kiện mà Luật tố tụng hành chính năm 2015 còn ghi nhận nội dung các đương sự có quyền quyết định và tự định đoạt ở góc độ là quyền, nghĩa vụ chung của đương sự trong vụ án hành chính tại Khoản 3-Điều 55 với nội dung “đương sự có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng, bao gồm: Giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu”. Từ đây, chúng ta có thể thấy rằng Luật tố tụng hành chính năm 2015 không chỉ quy định các đương sự trong vụ án hành chính có quyền quyết định và tự định đoạt mà còn xác định mức độ ngang quyền giữa các đương sự khi thực hiện quyền này. Mặc dù, về kết cấu việc xây dựng Điều 8 với việc quy định rõ “Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện”, song thực tế Luật tố tụng hành chính năm 2010 và năm 2015 đều có quy phạm thể hiện nội dung đây là quyền của đương sự trong vụ án hành chính mà không phải chỉ người khởi kiện mới có. Tuy nhiên, khi đương sự tham gia tố tụng với tư cách nào thì họ có quyền tự định đoạt tương ứng với địa vị tố tụng mình đang tham gia, như: Đương sự là người khởi kiện có quyền quyết định đối với việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện (nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn), được quyền rút yêu cầu khởi kiện; đương sự là người bị kiện được quyền sửa đổi hoặc hủy bỏ Quyết định hành chính, Quyết định kỷ luật buộc thôi việc, Quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, danh sách cử tri bị khiếu kiện; dừng, khắc phục hành vi hành chính bị khởi kiện. Như vậy, việc Điều 8- Luật tố tụng hành chính năm 2015 quy định “Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện” không có nghĩa là chỉ duy nhất người khởi kiện mới có quyền tự định đoạt và các đương sự khác có địa vị tố tụng khác không có quyền này. Thực tế, quy định trên dường như chỉ có ý nghĩa trong việc nhấn mạnh tính “quyết định” của đương sự có địa vị tố tụng là người khởi kiện khi họ là người có vai trò quyết định việc có khởi kiện hay không khởi kiện; có thay đổi hoặc rút yêu cầu khởi kiện hay không mà thôi. Bởi, như chúng ta đã biết vụ án hành chính chỉ phát sinh khi người khởi kiện có đơn khởi kiện gửi đến Tòa án và được Tòa án thụ lý bằng Thông báo thụ lý vụ án hành chính. Theo đó, Thông báo thụ lý vụ án hành chính chính là văn bản tố tụng làm phát sinh tư cách tham gia tố tụng của người bị kiện cũng như người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có), trong đó người bị kiện và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (không có yêu cầu độc lập) tham gia tố tụng với “tâm thế” hoàn toàn “bị động” mà không phải được quyền “quyết định” như người khởi kiện.

Nghiên cứu các quy định cụ thể của Luật tố tụng hành chính hiện hành, chúng ta có thể thấy rằng mặc dù Luật tố tụng hành chính năm 2015 tại Điều 8 không quy định việc Tòa án phải tạo điều kiện để các bên có thể thoả thuận với nhau về việc giải quyết vụ án như tại Điều 3 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 đã quy định, song xuyên suốt nội dung của Luật tố tụng hành chính này, từ Chương I về “Quy định chung” chứa đựng Điều 8 quy định về “Quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện”; đến Chương II về “Thẩm quyền của Tòa án” chứa đựng Điều 33 quy định về “Xác định thẩm quyền của trong trường hợp vừa có đơn khiếu nại, vừa có đơn khởi kiện”; đến Chương III về “Người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng” , tại Điều 55 quy định về “Quyền, nghĩa vụ của đương sự”, Điều 61 quy định về “Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự” tại Khoản 2, điểm d-Khoản 6; đến Chương V về “Các biện pháp khẩn cấp tạm thời” tại Điều 66 quy định về “Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời” và Điều 74 quy định về “Thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời”; đến Chương VI về “Chứng minh và chứng cứ” với quy định tại Điều 89 về “Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định lại”, tại Điều 91 quy định về “Định giá tài sản, thẩm định giá tài sản”, tại Điều 93 quy định về “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ” và nhất là ở các Chương X về “Thủ tục đối thoại và chuẩn bị xét xử” thể hiện tại các Điều 134 quy định về “Nguyên tắc đối thoại”, tại Điều 140 quy định về “Xử lý kết quả đối thoại” và Chương XI về “Phiên tòa sơ thẩm” tại các Điều 172 quy định về “Hỏi đương sự về việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu” và Điều 173 quy định về “Xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu” đã cho thấy ngay từ phần quy định chung cho đến phần quy định các nội dung cụ thể trong kết cấu của Luật tố tụng hành chính hiện hành hầu như đều chứa đựng các nội dung nhằm đảm bảo cho các đương sự trong vụ án hành chính thực hiện quyền tự định đoạt của mình, nhất là ở các chương quy định các hoạt động liên quan trực tiếp đến việc các bên đương sự trực tiếp gặp nhau, cùng đối diện nhau để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình, như: hoạt động đối thoại, hoạt động xét xử thì Luật tố tụng hành chính 2015 đều có nhưng quy định trực tiếp hoặc gián tiếp xác định Tòa án phải tôn trọng và đảm bảo cho quyền tự định đoạt của đương sự trong vụ án hành chính được thực hiện.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng Luật tố tụng hành chính 2015 dường như chỉ mới chú trọng đến quyền tự định đoạt của đương sự thông qua việc quy định đương sự trong vụ án hành chính có quyền quyết định việc khởi kiện hay không; có thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu hay không cũng như có quyền quyết định một số quyền khác của họ trong hoạt động thu thập chứng cứ mà Luật tố tụng hành chính hiện hành chưa chú trọng đến các biện pháp nhằm đảm bảo cho quyền tự định đoạt của đương sự trong vụ án hành chính được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì hoạt động đối thoại là một trong những hoạt động thể hiện rõ nhất các đương sự thực hiện quyền tự định đoạt đoạt của mình bằng việc họ cùng nhau đưa ra quan điểm, hướng giải quyết để tối ưu hoá lợi ích của các bên, trong khi để các quan điểm, hướng giải quyết giữa các bên đương sự đạt được điểm chung thì các bên cần thiết có thời gian để cân nhắc, bàn bạc hoặc cùng điều chỉnh quan điểm của mình về lợi ích liên quan đến nội dung khiếu kiện. Vì vậy, việc các bên đương sự trong vụ án hành chính cần có thời gian để cùng nhau bàn bạc, trao đổi, thương lượng và thống nhất là thực tế và điều này đương nhiên. Song, Luật tố tụng hành chính trong giai đoạn này không có quy phạm nào cho phép hoặc bắt buộc các đương sự được quyền tự thỏa thuận, thương lượng trong thời hạn bao nhiêu ngày… hết thời hạn đó mà các bên đương sự không đạt được kết quả đối thoại, thương lượng thì Tòa án tiếp tục các hoạt động tố tụng và đưa vụ án ra xét xử theo quy định. Điều này cho thấy hoạt động đối thoại giữa các đương sự mặc dù được tố tụng hành chính xác định là hoạt động bắt buộc của bất kỳ vụ án hành chính nào (trừ các vụ án thuộc trường hợp không tiến hành đối thoại được theo quy định tại Điều 135-Luật tố tụng hành chính và vụ án khiếu kiện về danh sách cử tri, vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn được quy định tại các Điều 135, Điều 198 và Điều 246 của Luật này) nhưng gần như chỉ có tính hình thức. Bởi lẽ, như chúng ta đã biết một trong những tính đặc thù, riêng có của hoạt động quản lý hành chính là hoạt động quản lý hành chính luôn buộc phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục nhất định, nhất là việc trong hầu hết các vụ án hành chính, bên bị kiện thường do đại diện theo ủy quyền tham gia tố tụng, trực tiếp tham dự các buổi đối thoại, thương lượng theo phạm vi được ủy quyền nên họ bắt buộc phải báo cáo, xin ý kiến quyết định của người có thẩm quyền đã ủy quyền cho mình tham gia tố tụng vì họ không thể tự mình quyết định các nội dung liên quan đến việc thương lượng, đối thoại đó nên thực tế các bên đương sự trong vụ án hành chính luôn cần phải có thời gian nhất định trước khi đưa ra quyết định cuối cùng khi tham gia đối thoại.

Mặt khác, hiện nay tình trạng bên bị kiện hầu như không phối hợp với Tòa án trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, trình bày ý kiến, không tham gia đối thoại và cũng không tham dự phiên tòa dẫn đến việc gây rất nhiều khó khăn cho Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ và đánh giá chứng cứ thì tình trạng này cũng đồng nghĩa với việc hoạt động đối thoại không được tôn trọng, dẫn đến quyền tự định đoạt của đương sự trong vụ án hành chính không có điều kiện cũng như cơ hội để được thực hiện trên thực tế, trong khi nhìn nhận một cách khách quan nếu bên bị kiện tôn trọng hoạt động đối thoại, tích cực và chủ động phối hợp cùng với bên khởi kiện với vai trò “trọng tài” của Tòa án thì việc các vụ án hành chính đạt được sự thống nhất về cách giải quyết mà không cần phải đưa ra xét xử hoàn toàn không phải chỉ là lý thuyết. Điều này sẽ góp phần tiết kiệm được công sức, tiền của, thời gian cho cả cá nhân, tổ chức khởi kiện, cho phía cơ quan Nhà nước bị kiện và cả Cơ quan có thẩm quyền xét xử, kiểm sát xét xử, gồm: Tòa án,Viện kiểm sát cũng như một số Cơ quan liên quan đến hoạt động cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Điều 93-Luật tố tụng hành chính 2015 và một số Cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Do đó, thiết nghĩ Luật tố tụng hành chính hiện hành bên cạnh việc cần thiết xây dựng các quy phạm mang tính bắt buộc các đương sự phải tham gia đối với hoạt động đối thoại thì việc xây dựng các quy phạm quy định cụ thể thời gian bắt buộc các bên đương sự trong vụ án hành chính phải thực hiện việc cùng đối thoại là hết sức cần thiết. Điều này sẽ khắc phục được tình trạng không phối hợp của người bị kiện, chấm dứt tư tưởng “đi kiện là việc của người đi kiện, còn xét xử là việc của Tòa” từ phía người bị kiện, đồng thời cũng là cơ sở pháp lý bắt buộc họ phải tham gia một cách bình đẳng, ngang quyền với người khởi kiện nhằm hướng đến việc giải quyết vụ án hành chính một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, cũng như góp phần giảm tải lượng án hành chính đã thụ lý chưa xét xử tại Tòa án như hiện nay./.

Ngọc Thuận

Liên kết website

Thông kê truy cập