Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

MỘT SỐ NHẦM LẪN KHI XÁC ĐỊNH HÀNH VI PHẠM TỘI TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ


Tội phạm xảy ra trên thực tiễn với nhiều cách thức, thủ đoạn khác nhau. Có những hành vi thực hiện trong cấu thành một tội phạm này có sự ly lai, giống với hành vi trong cấu thành của một tội phạm khác, gây sự nhầm lẫn về tội danh trong khởi tố vụ án, khởi tố bị can; có những hành vi tuy đã bộc lộc đầy đủ các cấu thành của một tội được mô tả trong bộ luật hình sự nhưng do đặc điểm của là tài sản là đối tượng tác động của tội phạm mà dẫn đến sự nhầm lẫn của người tiến hành tố tụng nên đã dẫn đến việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can không đúng.

Trong bài viết này tôi nêu quan điểm về việc xác định đối tượng tác động của tội phạm là tài sản trong các trường hợp cụ thể - vụ án cụ thể, có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định có hay không có hành vi phạm tội.

Vụ án 1: A và B bàn với nhau đến Nha Trang chơi, nghỉ tại khách sạn nhưng không trả tiền. A và B thay hình của mình vào chứng minh nhân dân của người khác, đồng thời chuẩn bị một balo lớn bỏ đầy giẻ rách để đánh lừa nhân viên lê tân khi đến thuê phòng khách sạn. Ngày 15/6/2018, A và B đến thuê phòng tại khách sạn T&T với giá thuê 800.000 đồng /đêm. Đến ngày 20/6/2018, như đã bàn từ trước, A và B bỏ trốn để không phải trả tiền 4.000.000 đồng (tương ứng với 05 đêm) cho khách sạn. Ngày 22/6/2018, nhân viên khách sạn phát hiện, giữ A và B đưa đến trụ sở Công an phường.

Ngày 24/6/2018, Cơ quan điều tra, ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với A và B về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trên cơ sở chiếm đoạt số tiền 4.000.000 đồng của khách sạn T&T.

Cơ quan điều tra cho rằng A và B đã có hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền 4.000.000 đồng của khách sạn T&T mà A và B phải trả khi đến thuê phòng tại khách sạn trong thời gian lưu trú 5 ngày. Hành vi đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền chiếm đoạt là 4.000.000 đồng.
Trong vụ án này, có thể thấy rằng, mặc dù A và B có hành vi gian dối ngay từ đầu khi đến thuê phòng; sau khi nghỉ tại khách sạn, A và B đã bỏ trốn như đã bàn từ trước để không phải trả số tiền thuê phòng là 4.000.000 đồng. Tuy nhiên, hành vi của A và B không phạm tội mà cụ thể là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bởi:

Xuất phát khái niệm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi gian dối làm cho người có tài sản tưởng giả là thật mà đưa tài sản. Như vậy, có thể thấy rằng đối tượng tác động của tội phạm ở đây là tài sản là động sản và phải là tài sản hữu hình có thể cầm nắm, chiếm hữu được, như: tiền, vàng, ô tô, xe máy… Trong vụ án này A và B chỉ nhận được một dịch vụ lưu trú trị giá theo thỏa thuận là 4.000.000 đồng chứ không phải là một tài sản được định giá là 4.000.000 đồng do bị hại tưởng giả là thật mà đưa cho A và B. Dịch vụ không phải là đối tượng của các tội chiếm đoạt tài sản. Tương tự như trường hợp trên, các trường hợp thuê tài sản sau đó cố tình không trả tiền thuê chỉ là các tranh chấp dân sự, không thuộc đối tượng điều chỉ của Luật hình sự.

Vụ án 2: Bà A là người già yếu, con của bà A đều định cư tại Mỹ. Các con của bà A hàng tháng gửi tiền cho B là cháu  họ của bà A để nhà B ở với bà A và chăm sóc cho bà A. Sau một thời gian dài sống với bà A, biết được các con của bà A không về Việt Nam định cư, còn bà A thì tuổi đã cao. B nảy sinh ý định muốn chiếm đoạt căn nhà của bà A. B đứng tên mình để kê khai nhà và đất với Cơ quan có thẩm quyền, đồng thời lừa bà A ký vào các giấy tờ để hợp thức hóa, kê khai B là chủ sở hữu đối với căn nhà của bà A. Sau khi được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đứng tên mình, A công khai quyền sở hữu của mình đối với căn nhà của bà A đồng thời có ý định bán nhà. Bà A đơn tố cáo B với Cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với B về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trong vụ án này, B cũng có hành vi gian dối với bà A kê khai với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xác lập quyền sở hữu và quyền sử dụng đối với nhà và đất của bà A. Tuy nhiên, Tài sản mà B mong muốn chiếm đoạt ở đây là bất động sản là tài sản đặc biệt, việc xác lập hay chuyển dịch quyền sở hữu phải tuân theo một trình tự, thủ tục được pháp luật quy định. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất không phải là căn nhà mà đó chỉ là sự ghi nhận ai là chủ sở hữu, ai có quyền sự dụng. Các tranh chấp về giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được giải quyết theo trình tự tố tụng hành chính hoặc dân sự. Nói cách khác Bất động sản không phải là đối tượng của các tội chiếm đoạt tài sản, do vô hiệu về đối tượng tác động của tội phạm. Trong vụ án trên, nêu B bán nhà đó cho C thì lúc này A mới phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Nhưng bị hại ở đây là C và tài sản chiếm đoạt là số tiền mà C đã đưa cho B hoặc số tiền đã thỏa thuận mà B nhắm tới để C mua nhà (trường hợp phạm tội chưa đạt). Tương tự như vậy hành vi chiếm đoạt sổ tích kiệm hay các cổ phiếu, trái phiếu có ghi tên không cấu thành tội phạm.

Như vậy, từ hai ví dụ trên mà qua thực tiễn đã xảy ra không ít. Việc xác định tài sản, đặc điểm của tài sản có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định hành vi có cấu thành tội phạm hay không. Hành vi chiếm đoạt mang đầy đủ các dấu hiệu khách quan của tội phạm, tuy nhiên do vô hiệu về đối tượng tác động dẫn đến khách thể không bị xâm phạm, hành vi không cấu thành tội phạm. Đây là quan điểm cá nhân về các trường hợp cụ thể, sự việc tương tự để bạn đọc tham khảo.


Hoàng Kim Ngọc

Liên kết website

Thông kê truy cập