Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Xác định nhóm người dễ bị tổn thương dưới góc nhìn pháp luật Dân sự


Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và thành tựu của nhiều năm Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức Liên Hiệp Quốc, cùng với việc tham gia ký kết và thực hiện các Công ước quốc tế về quyền con người, đất nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể không chỉ về việc quy định căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền con người mà Nhà nước ta đã từng bước có những cơ chế hữu hiệu nhằm bảo vệ trên thực tế các quyền năng cơ bản của cá nhân trong xã hội. Nghị quyết số 27-NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 6 - Khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới” đã xác địnhQuyền con người, quyền công dân theo Hiến định tiếp tục được cụ thể hóa bằng pháp luật và thực hiện tốt hơn trên thực tế”, trong đó Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Hiến pháp năm 2013 của nước ta là căn cứ pháp lý cao nhất quy định về quyền con người và cơ chế bảo vệ quyền của mỗi cá nhân trong xã hội, đã khẳng định: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (Điều 14) và “không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội” (khoản 2 Điều 16). Như vậy, Hiến pháp năm 2013 đã quy định tất cả mọi người, trong đó có nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm: Trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số…  được hưởng tất cả các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội như mọi người.

Theo đó, nhằm cụ thể hóa các quy định cụ thể để bảo vệ quyền của mỗi cá nhân trong xã hội, hiện nay pháp luật nước ta có rất nhiều quy định nhằm xác định và bảo vệ quyền lợi cho nhóm người dễ bị tổn thương. Ở một số lĩnh vực cụ thể lại có quy định riêng biệt nhằm phù hợp theo từng lĩnh vực quản lý, như: Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, tại Khoản 1-Điều 8 đã xác định 07 nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; Với Luật phòng chống thiên tai năm 2013, tại Khoản 4-Điều 3 đã xác định đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai só với nhóm người khác trong cộng đồng, bao gồm: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo. Tại Khoản 4-Điều 2- Luật Phòng thủ dân sự năm 2023, xác định: Đối tượng dễ bị tổn thương là người, nhóm người có đặc điểm, hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ sự cố, thảm họa hơn so với những nhóm người khác trong cộng đồng, bao gồm: trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo, người mất năng lực hành vi dân sự, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, người sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.

Với Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, tuy không xác định nhóm người dễ bị tổn thương như các Luật đã nêu trên nhưng tại Điều 7 xác định người được trợ giúp pháp lý, bao gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số  trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, tùy vào mỗi lĩnh vực cụ thể, các đối tượng được xác định thuộc nhóm người dễ bị tổn thương cũng có sự khác nhau cho phù hợp.

Vậy, với góc nhìn của pháp luật Dân sự thì nhóm người dễ bị tổn thương được hiểu như thế nào? Nghiên cứu Bộ luật dân sự năm 2015, chúng ta có thể thấy rằng: Cũng như Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, Bộ luật dân sự 2015 cũng không xác định đối tượng nào thuộc nhóm người dễ bị tổn thương. Song, tại các Điều 21, Điều 22, Điều 23 và Điều 24 của Bộ luật này đã khái niệm một số đối tượng, như: người chưa thành niên; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự - Với pháp luật dân sự nước ta và cả trên thực tế thực hiện quyền dân sự, phải nói rằng đây là các đối tượng gần như là không thể tự mình thực hiện các giao dịch dân sự hoặc chỉ thực hiện được một số giao dịch dân sự nhất định do pháp luật quy định hoặc quá trình thực hiện giao dịch dân sự trong thực tế họ lại bị hạn chế do điều kiện về thể chất hoặc có khó khăn trong việc làm chủ hành vi của mình. Vì vậy, xét về đối tượng cần được các tổ chức, cơ quan của Nhà nước được giao quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong quan hệ dân sự cho những người có thiệt thòi hơn so với những người khác trong xã hội, theo pháp luật dân sự Việt Nam các đối tượng bao gồm: trẻ em, người già, người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 27-NQ-TW ngày 09/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 6 - Khóa XIII về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới, Viện kiểm sát nhân dân tối cao được Quốc hội giao cho nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các Đề án nhằm thực hiện thí điểm cơ chế bảo vệ quyền lợi trong quan hệ dân sự cho nhóm người dễ bị tổn thương. Theo Đề án này, phạm vi đối tượng được xác định thuộc nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm: “người già yếu, trẻ em, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người bị mất năng lực hành vi dân sự nên đối tượng được các tổ chức, cơ quan của Nhà nước được giao quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong quan hệ dân sự cho những người có thiệt thòi hơn so với những người khác trong xã hội, theo Đề án bao gồm: trẻ em, người già, người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Như vậy, theo Đề án này thì đối tượng là người khuyết tật với Giấy chứng nhận người khuyết tật do Cơ quan lao động, thương binh và xã hội cấp thì chưa là đối tượng của nhóm người dễ bị tổn thương được bảo vệ trong quan hệ dân sự. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người khuyết tật khi tham gia vào quan hệ dân sự rất cần được cơ quan, tổ chức được giao quyền bảo vệ quyền lợi cho họ. Bởi lẽ, theo quy định tại các Điều 22 và Điều 23- Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nhng người được xác định có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự khi có Quyết định của Tòa án tuyên bố họ có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; họ bị hạn chế năng lực hành vi dân sự trên cơ sở chính họ hoặc người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan có yêu cầu Tòa án giải quyết về yêu cầu tuyên bố họ là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ mới được xác định là “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.  Song, thực tế phần lớn những người thuộc trường hợp người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là do họ bị khuyết tật. Nếu xác định chỉ người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thuộc nhóm người dễ bị tổn thương thì đối với những người khuyết tật họ phải có đơn yêu cầu và được Tòa án tuyên bố họ là người “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mới được xác định là người yếu thế. Trong khi theo quy định tại Khoản 1-Điều 2-Luật người khuyết tật Việt Nam năm 2010 xác định:1. Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”. Theo khái niệm này và trên thực tế thì người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong lao động, sinh hoạt và học tập. Trong thực tế, do có nhược điểm về thể chất nên những người bị khuyết tật không có điều kiện để phát triển toàn diện về mặt tâm sinh lý như người bình thường. Họ là những người dễ bị tổn thương trong xã hội nên cần thiết phải xác định họ là người dễ bị tổn thương. Căn cứ để xác định họ là người khuyết tật là Giấy chứng nhận người khuyết tật do Cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Lao động thương binh và xã hội cấp cho họ là cơ sở để xác định họ là người yếu thế. Điều này sẽ thuận lợi hơn cho cả người khuyết tật cần được bảo vệ và cả phía cơ quan được giao quyền khởi kiện để thực hiện việc bảo vệ quyền, lợi ích cho người yếu thế, đồng thời đảm bảo được tính kịp thời trong việc bảo vệ quyền lợi cho người yếu thế. Vì lẽ, để ra Quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sựtheo quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì đòi hỏi mất khoảng thời gian từ 03 đến 04 tháng, bao gồm: Thời hạn thụ lý tối đa là 15 ngày, trong đó tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn yêu cầu và 07 ngày Thẩm phán được quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu và thời hạn Thẩm phán ra Thông báo nộp lệ phí yêu cầu giải quyết việc dân sự là 05 ngày làm việc; Thời hạn giải quyết việc dân sự tối đa là 02 tháng, gồm: 01 tháng giải quyết cộng với được thời gian gia hạn thêm 01 tháng;  Thời hạn kháng cáo, kháng nghị đối với Quyết định giải quyết việc dân sự từ 10-15 ngày (đương sự  và VKS cùng cấp có thời hạn là 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra Quyết định); Thời hạn xét kháng cáo, kháng nghị là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án nhận được kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, để Quyết định tuyên bố một người có “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người bị mất năng lực hành vi dân sự” có hiệu lực pháp luật thì phải mất khoảng thời gian hơn 03 tháng, còn về thực tế thì thời gian này nhiều trường hợp còn bị kéo dài thêm do việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu bị kéo dài hoặc do thủ tục niêm yết, tống đạt văn bản tố tụng cho đương sự vắng mặt. Do vậy, việc xác định nhóm người dễ bị tổn thương chỉ có “người già yếu, trẻ em, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và người bị mất năng lực hành vi dân sự”, mà chưa có đối tượng là người khuyết tật vào nhóm người dễ bị tổn thương cần được bảo vệ theo cơ chế cơ quan có thẩm quyền bảo vệ quyền lợi cho họ là chưa đầy đủ. Điều này gây bất lợi cho nhóm người khuyết tật như đã phân tích trên.

Thực tiễn trước đây cho thấy: Tại Điều 18- Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1996 là văn bản tố tụng đầu tiên của nước ta quy định về thủ tục tố tụng đối với vụ án hành chính cũng đã xác định nhóm người yếu thế, cần được Viện kiểm sát khởi tố vụ án hành chính để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp có người có nhược điểm về thể chất (tức là người khuyết tật) như sau: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Viện kiểm sát có quyền tham gia tố tụng từ bất cứ giai đoạn nào khi xét thấy cần thiết. Đối với các quyết định hành chính, hành vị hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tâm thần, nếu không có ai khởi kiện, thì Viện kiểm sát có quyền khởi tố vụ án hành chính...”.

Từ những cơ sở trên, thiết nghĩ cần xác định thêm đối tượng là người khuyết tật vào nhóm người dễ bị tổn thương cần được bảo vệ theo cơ chế cơ quan có thẩm quyền được giao quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhóm người dễ bị tổn thương.

Ngọc Thuận - Phòng 10 VKSND tỉnh Khánh Hòa

Thông báo

Liên kết website

Thông kê truy cập