Khoản 3 Điều 106 BLTTHS năm 2015 quy định trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho Cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Tình huống cụ thể: Ngô Văn H điều khiển xe mô tô biển kiểm soát 79K2-3504 trộm cắp tài sản của ông Nguyễn Thiện T tại huyện H. Quá trình điều tra, xác minh, xe mô tô H sử dụng đi trộm cắp biển kiểm soát 79K2-3504 chủ xe tên Nguyễn L có số máy FMG-102731, số khung 0021R-002731. Tuy nhiên, thông số xe mô tô có số máy %Y-006995 không trùng khớp với kết quả xác minh, không bị thay đổi, sửa chữa. và không tìm thấy dữ liệu tra cứu trên hệ thống quản lý của Cơ quan Cảnh sát giao thông. Như vậy, các thông số của xe mô tô không đồng nhất với nhau.
Sau khi Viện kiểm sát huyện H truy tố và chuyển toàn bộ hồ sơ và vật chứng kèm theo vụ án cho Tòa án nhân dân huyện N xét xử theo quy đinh. Tòa án nhân dân huyện H quyết định tuyên giao vật chứng là 01 xe mô tô biển kiểm soát 79K2-3504, số máy VDGZ152FMH-YM*006995*, số khung RLSBE49L03012527 cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện H quản lý, bảo quản và thông báo tìm chủ sở hữu tài sản theo quy định tại Điều 228 của Bộ luật dân sự 2015, tính từ ngày thông báo mà chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản trên có yêu cầu thì xem xét theo quy định của pháp luật; hết thời hạn này, tài sản trên sẽ được sung quỹ Nhà nước.
Như vậy, mặc dù BLHS, BLTTHS quy định rất chi tiết, cụ thể về xử lý vật chứng và tài sản không phải là vật chứng trong vụ án hình sự. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn còn có nhiều cách xử lý khác nhau:
Trường hợp 1: Đối với vật chứng trên Cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh nhưng chưa tìm được chủ sở hữu. Sau khi kết thúc điều tra, truy tố chuyển vật chứng cùng vụ án thì Tòa án tuyên chuyển vật chứng cho Cơ quan Thi hành án đang bảo quản và xử lý theo quy định tại Điều 228 BLTTDS.
Trường hợp 2: Đối với vật chứng trên, Cơ quan điều tra tiến hành xác minh kết quả các thông số của phương tiện bị cáo H sử dụng để phạm tội có các thông số không trùng khớp nhau, số máy không có trên hệ thống quản lý của Cơ quan Cảnh sát giao thông (có nghĩa là thuộc trường hợp chưa làm rõ được nguồn gốc của phương tiện) thì cần tiếp tục chuyển lại cho Cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, làm rõ đối với vật chứng này theo quy định.
Như vậy, trong suốt quá trình giải quyết vụ án đối với vật chứng không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp (thuộc trường hợp chưa làm rõ được nguồn gốc của phương tiện) thì có hướng giải quyết chưa thống nhất.
Nhằm có cách giải quyết thống nhất, tác giả đề xuất, kiến nghị trong trường hợp vật chứng kèm theo vụ án trong giai đoạn xét xử, buộc Tòa án phải xử lý mà không tìm được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp (thuộc trường hợp chưa làm rõ được nguồn gốc của phương tiện) thì cần có quy định tịch thu, nộp Ngân sách Nhà nước hoặc tiêu hủy hay chuyển lại cho Cơ quan điều tra để tiếp tục xác minh tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý đúng quy định pháp luật