Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Quy định mới về việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, đối chất, nhận dạng và nhận biết giọng nói trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (Sau đây viết tắt là BLTTHS), được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27/11/2015 đã có hiệu lực từ 01/1/2018, trong đó có nhiều quy định mới về hoạt động điều tra, trong đó có việc hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, đối chất, nhận dạng và nhận biết giọng nói. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Kiểm sát Kiểm sát viên cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Hỏi cung bị can (Điều 183-184).

- Tại Điều 183 BLTTHS quy định trước khi hỏi cung bị can, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên và người bào chữa cho bị can về thời gian, địa điểm hỏi cung. Khi xét thấy cần thiết Kiểm sát viên tham gia việc hỏi cung; quy định rõ hơn các trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can, đó là trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết; việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

- Về biên bản hỏi cung bị can, Điều 184 BLTTHS quy định rõ, trường hợp Kiểm sát viên hỏi cung bị can thì biên bản hỏi cung bị can được chuyển ngay cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án.

2. Lấy lời khai người làm chứng ( Điều 185 - 187).

 - Về triệu tập người làm chứng: Điểm mới đáng chú ý là, Giấy triệu tập phải ghi rõ mục đích và nội dung làm việc, thời gian làm việc; gặp ai và trách nhiệm việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan; quy định rõ chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ.

- Về lấy lời khai người làm chứng: BLTTHS quy định trường hợp lấy lời khai của người làm chứng thì trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định Điều 66 của Bộ luật này, phải hỏi về quan hệ của họ với bị can, bị hại; bổ sung quy định “trường hợp xét thấy việc lấy lời khai của Điều tra viên không khách quan hoặc có vi phạm pháp luật hoặc xét cần làm rõ chứng cứ, tài liệu để quyết định việc phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra hoặc để quyết định việc truy tố thì Kiểm sát viên có thể lấy lời khai”.

3. Đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói ( Điều 189-191).

- Về đối chất (Điều 189): BLTTHS năm 2003 chưa có quy định cụ thể, ràng buộc về trách nhiệm của Kiểm sát viên phải trực tiếp kiểm sát hoạt động đối chất trong điều tra các vụ án hình sự. BLTTHS lần này đã quy định cụ thể trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc kiểm sát hoạt động đối chất.

 + Khoản 1 Điều 189 quy định căn cứ để đối chất và kiểm sát việc đối chất là, trong trường hợp có mâu thuẫn trong lời khai giữa hai hay nhiều người “mà đã tiến hành các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn” thì Điều tra viên tiến hành đối chất; trước khi tiến hành đối chất, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc đối chất. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc đối chất. Nêu Kiêm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản đôi chât.

 + Khoản 2 Điều 189 bổ sung quy định: “Trước khi đối chất”, Điều tra viên phải giải thích cho người làm chứng hoặc bị hại tham gia để cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố tình khai báo gian dối.

+ Khoản 3 Điều 189 bổ sung quy định về nội dung, cách thức đối chất cụ thể, rõ ràng hơn, đó là “trong quá trình đối chất, Điều tra viên có thể đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật có liên quan”.

+ Khoản 4 về hình thức lập biên bản, đã bổ sung thêm nội dung “Việc đối chất có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh”.

 - Về nhận dạng (Điều 190): Cũng như hoạt động đối chất, BLTTHS quy định “trước khi tiến hành nhận dạng, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận dạng. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát. Nêu Kiêm sát viên vắng mặt thì ghi rõ vào biên bản nhận dạng”; Khoản 2 Điều 190 quy định khi nhận dạng thì “người làm chứng, bị hại hoặc bị can, người chứng kiến” phải tham gia. Đây là quy định mới, bắt buộc mà Kiểm sát viên cần lưu ý khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra.

- Về nhận biết giọng nói (Điều 191): Đây là quy định mới của BLTTHS, cụ thể:

+ Khoản 1 Điều 191 quy định, khi cần thiết, Điều tra viên có thể cho bị hại, người làm chứng hoặc người bị bắt, bị tạm giữ, bị can nhận biết giọng nói. Số giọng nói được đưa ra để nhận biết ít nhất phải là ba và phải có âm sắc, âm lượng tương tự nhau.Trước khi tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên phải thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp để cử Kiểm sát viên kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc nhận biết giọng nói. Nêu Kim sát viên vng mt thì ghi rõ vào biên bn nhn biết ging nói.

+ Khoản 2 Điều 191 quy định, khi nhận biết giọng nói, phải có sự tham gia của Giám định viên về âm thanh, người được yêu cầu nhận biết giọng nói, người được đưa ra để nhận biết giọng nói (trừ trường hợp việc nhận biết giọng nói được thực hiện qua phương tiện ghi âm) và người chứng kiến.

+ Khoản 3 Điều 191 quy định, nếu người làm chứng, bị hại được yêu cầu nhận biết giọng nói thì trước khi tiến hành, Điều tra viên phải giải thích cho họ biết trách nhiệm về việc từ chối, trốn tránh khai báo hoặc cố ý khai báo gian dối. Việc nay phải ghi vào biên bản.

+ Khoản 4 Điều 191 quy định, Điều tra viên phải hỏi trước người được yêu cầu nhận biết giọng nói về những đặc điểm mà nhờ đó họ có thể nhận biết được giọng nói.

Trong quá trình tiến hành nhận biết giọng nói, Điều tra viên không được đặt câu hỏi gợi ý. Sau khi người được yêu cầu nhận biết giọng nói đã xác nhận được tiếng nói trong số giọng nói được đưa ra thì Điều tra viên yêu cầu họ giải thích là họ đã căn cứ vào đặc điểm gì mà xác nhận giọng nói đó.

 + Khoản 5 Điều 191 quy định, biên bản nhận biết giọng nói được lập theo quy định tại Điều 178 của Bộ luật này. Biên bản ghi rõ nhân thân, tình trạng sức khỏe của người được yêu cầu nhận biết giọng nói và của những người được đưa ra để nhận biết giọng nói; đặc điểm của giọng nói được đưa ra để nhận biết, lời trình bày của người nhận biết giọng nói; điều kiện về không gian khi thưc hiên nhận biết giọng nói.

Như vậy, những quy định về hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, đối chất, nhận dạng và nhận biết giọng nói của BLTTHS năm 2015 so với BLTTHS năm 2003 đã được quy định cụ thể hơn nhằm đảm bảo tính khách quan, chính xác, bảo vệ quyền con người.

Do vậy, Kiểm sát viên cần lưu ý nắm vững các quy định của pháp luật trong các hoạt động hỏi cung bị can, lấy lời khai làm chứng, đối chất, nhận dạng và nhận biết giọng nói để thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự./.

Thoa Phan

Liên kết website

Thông kê truy cập