Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn xác định công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài. Trên cơ sở đó kịp thời quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan bảo vệ pháp luật, được sự quan tâm chỉ đạo của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; tập trung đẩy mạnh giải quyết các vụ án, vụ việc, góp phần thiết thực và hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngành kiểm sát Khánh Hòa đã tích cực triển khai, quán triệt đến hai cấp thực hiện nghiêm túc, kịp thời Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 26-CT/TW ngày 09/11/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc; Hướng dẫn số 04-HD-TW, ngày 9/12/2020 của Ban Bí thư về thực hiện Chỉ thị số 26-CT/TW; Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 27/6/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân; Quyết định số 21/QĐ-VKSTC về ban hành quy tắc chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ kiểm sát.… thông qua các hội nghị, họp đơn vị, sinh hoạt Đảng bộ hoặc sinh hoạt Chi bộ thường kỳ.

Trên cơ sở các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tỉnh ủy Khánh Hòa về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng và ban hành nhiều Kế hoạch, văn bản triển khai để thực hiện theo từng nội dung cụ thể như: Kế hoạch số 03-KH/BCSĐ ngày 16/02/2023 về thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Kế hoạch số 32-KH/BCSĐ ngày 26/7/2023 về thực hiện Nghị quyết 79-NQ/BCSĐ ngày 01/6/2023 của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về lãnh đạo công tác kiểm tra trong ngành Kiểm sát nhân dân; Kế hoạch số 33-KH/BCSĐ ngày 26/7/2023 về thực hiện Kết luận của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa xây dựng và ban hành Chương trình công tác phòng chống tham nhũng hàng năm, giúp đơn vị có cơ sở định hướng nhiệm vụ công tác, theo dõi, chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ở đơn vị, nâng cao vai trò của người đứng đầu. Ban hành Kế hoạch số 67/KH-VKS ngày 01/02/2023 về luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác năm 2023; Kế hoạch số 221/KH-VKS ngày 22/3/2023 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa về đào tạo, bồi dưỡng công chức ngành kiểm sát Khánh Hòa năm 2023; Kế hoạch số 663/KH-P1 ngày 21/7/2023 về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong ngành Kiểm sát nhân dân. Thường xuyên chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị, phát hiện, chấn chỉnh, ngăn chặn kịp thời các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng, lãng phí xảy ra ở đơn vị và thực hiện tốt việc phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giải quyết vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Cụ thể, trong năm 2022, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Khánh Hòa thụ lý điều tra, giải quyết 14 vụ/39 bị can về tội tham nhũng chức vụ thu hồi số tiền 44.664.872.040 đồng; đã truy tố 07 vụ/27 bị can thu hồi số tiền 1.304.000.000 đồng và xét xử 07 vụ/16 bị cáo. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất có diện tích 20.112,1 m2 (giá trị ước tính khoảng 240 tỷ đồng).

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong công tác giải quyết các các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như:

Phương thức, thủ đoạn phạm tội của các loại tội phạm về tham nhũng, chức vụ ngày càng tinh vi. Do vậy, công tác phát hiện, đấu tranh gặp nhiều khó khăn, trong khi biên chế cán bộ, Kiểm sát viên còn ít; các vụ án, vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực như đầu tư, đất đai, xây dựng, tài chính, thuế hoặc đấu thầu, trong lĩnh vực y tế… các văn bản pháp luật điều chỉnh về các lĩnh vực này rất nhiều, đôi khi còn chồng chéo nên việc nghiên cứu, nhận thức, vận dụng có lúc còn chưa thống nhất giữa các ngành. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là nguyên lãnh đạo, cán bộ chuyên môn của các Sở, ngành nên có năng lực chuyên môn cao trên từng lĩnh vực. Do đó, công tác đấu tranh, làm rõ hành vi phạm tội trong lĩnh vực chuyên môn của những người này gặp nhiều khó khăn.

Việc kết luận giám định, định giá vì nhiều lý do nên chậm có kết quả cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án. Nhiều vụ án, vụ việc phải tạm đình chỉ để chờ kết quả giám định, định giá.

Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực gặp nhiều khó khăn, do xuất phát từ khi phát hiện vi phạm cho đến lúc các cơ quan của Đảng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước có kết luận sai phạm diễn ra trong thời gian dài nhưng chưa có quy định được phong tỏa tài sản của những người bị thanh tra, kiểm tra dẫn đến các đối tượng đã kịp thời tẩu tán tài sản cho người thân hoặc giao dịch cho người khác.

Để khắc phục những khó khắn, vướng mắc, đạt được những kết quả nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

- Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa xác định việc giải quyết đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, chức vụ, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo cấp Tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng bậc nhất. Nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, ngày 30/3/2022 Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã sửa đổi Quy chế làm việc của Ban cán sự, phân công đồng chí Bí thư, Viện trưởng và 01 đồng chí Phó viện trưởng (thành viên Ban cán sự) chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc nêu trên; thực hiện chế độ định kỳ báo cáo tập thể Ban Cán sự theo đúng quy định.

- Ngay từ khi tiếp nhận, thụ lý giải quyết nguồn tin về tội phạm, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quyết liệt chỉ đạo Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm phải bám sát, nắm chắc nội dung vụ việc; thu thập các tài liệu liên quan đến quy trình ban hành văn bản hành chính và trách nhiệm cá nhân của người liên quan; xác định chính xác các dạng vi phạm pháp luật, phân loại vai trò của các đối tượng; làm rõ những dấu hiệu đặc trưng cơ bản của hành vi để xác định đúng tội danh.

- Đối với các vụ án trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ; thường xuyên báo cáo tiến độ giải quyết cho Lãnh đạo viện để kịp thời định hướng các nội dung cần thiết. Đề ra yêu cầu điều tra sát, đúng với với nội dung vụ án, thường xuyên phối hợp với Điều tra viên đánh giá chứng cứ, trao đổi quan điểm giải quyết và kịp thời tham mưu cho lãnh đạo, báo cáo nội dung có vướng mắc để xin ý kiến chỉ đạo. Quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa Kiểm sát viên bám sát quy định của pháp luật trong việc nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị đầy đủ nội dung như báo cáo án, đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội, đề cương tranh luận. Xét hỏi đúng trọng tâm, làm rõ vai trò, mức độ vi phạm của từng bị cáo. Các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Viện trưởng trực tiếp theo dõi phiên tòa để kịp thời chỉ đạo những nội dung phát sinh. Kết quả, nội dung luận tội, tranh tụng mà đại diện Viện kiểm sát đã nêu tại phiên tòa là đầy đủ căn cứ và có tính thuyết phục cao, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm, chú trọng và triển khai quyết liệt, thực hiện hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Ngay từ trong giai đoạn thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, Viện kiểm sát đã yêu cầu Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ tài sản của những đối tượng có liên quan như tài khoản ngân hàng, các bất động sản, động sản và các tài sản giá trị khác. Đồng thời yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan thực hiện các biện pháp phong tỏa tài sản như cấm chuyển dịch, báo cáo các giao dịch chuyển tiền, tài sản có giá trị lớn… để đảm bảo cho công tác thu hồi tài sản. Trong giai đoạn điều tra, truy tố phối hợp với Điều tra viên động viên, giải thích cho bị can việc khắc phục thiệt hại là một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, ảnh hướng đến đường lối xử lý để họ nhận thức đúng và thực hiện việc nộp tiền khắc phục hậu quả.

- Giải pháp về tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Khánh Hòa; sự chỉ đạo kịp thời của Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa là bản lề, chìa khóa cho hiệu quả trong giải quyết các vụ việc, vụ án. Quá trình giải quyết các vụ án, vụ việc về tham nhũng, chức vụ, có khó khăn, vướng mắc Viện kiểm sát cùng với Cơ quan điều tra, Tòa án có sự tham gia của Ban Nội chính Tỉnh ủy cùng họp bàn để xem xét, đánh giá, đưa ra những ý kiến để thống nhất hướng giải quyết. Trường hợp cần thiết báo cáo xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy hoặc thỉnh thị xin ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Liên ngành Tư pháp Trung ương.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, cùng với quyết tâm, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, người lao động ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã từng bước nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong và ngoài ngành góp phần qua trọng vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung.

Phòng 1 - VKSND tỉnh Khánh Hòa

Thông báo

Liên kết website

Thông kê truy cập