Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG TRONG “ SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC ” (Kỳ 2)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Người là hiện thân cao đẹp của giá trị đạo đức truyền thống Việt Nam. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề xây dựng đạo đức cách mạng, coi đạo đức là cái gốc, cái nền tảng của người cách mạng. Người viết “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phong cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình thì không có đạo đức, không có cơ bản, tự mình hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”. Với cuộc đời mình, một trong những điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu và trăn trở nhiều nhất là việc xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đủ sức, đủ trí tuệ và đạo đức chèo lái con thuyền cách mạng đi đến thành công, đem lại độc lập cho tổ quốc, phồn thịnh cho đất nước, tự do hạnh phúc cho nhân dân. Cũng chính vì vậy, Người thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng, củng cố giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; xây dng đội ngũ này có đủ tài, đức để trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào, khó khăn thử thách nào, Đảng cũng phải là một tổ chức cách mạng nhất đại diện cho trí tuệ, đạo đức, bản lĩnh, lương tâm, trách nhiệm và danh dự của dân tộc, làm tròn nhiệm vụ mà tổ quốc và nhân dân giao phó. Tư tưởng và tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng của Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Nghiên cứu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người là niềm vinh dự, tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên đối với Bác kinh yêu - một con người mà tư tưởng và tầm vóc vĩ đại đã trở thành một tượng đài đẹp đẽ của văn minh nhân loại, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới và lương tri, đạo đức trong mỗi con người chúng ta. Trong kho tàng tri thức quý giá Người để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” là một tác phẩm lý luận kinh điển nổi tiếng thể hiện nét rất riêng của tư tưởng Hồ Chí Minh. Ở tác phẩm, khi nói về tư cách và đạo đức cách mạng Bác đã khẳng định “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan, phát tài. Ngoài lợi ích của dân tộc, của tổ quốc thì Đảng không có lợi ích gì khác. Người đảng viên, người cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính , không có gì là khó cả. Lòng mình chỉ biết về Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”.“Sửa đổi lối làm việc” đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng, vừa mang tính lý luận, tính nguyên tắc, vừa có tính Đảng, tính chỉ đạo thực tiễn sâu sắc về xây dựng Đảng nhằm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ; là cẩm nang học tập của cán bộ, đảng viên để tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong làm việc. Bác viết “Nếu không kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của ta, thì cũng như giấu giếm bệnh tật trong mình, không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mệnh”.

Là một cán bộ đảng viên, với lòng kính trong sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; và với nhận thức “Sửa đổi lối làm việc” theo gương Bác không chỉ tạo sự thay đổi rõ nét trong lề lối, tác phong làm việc, ý thức trách nhiệm; thái độ phục vụ tổ quốc, phụng sự nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy dân chủ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan đơn vị; của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức mà còn góp phần đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Đây là lý do chúng tôi thấy cần nghiên cứu; và cũng là lý do để nhận thức, thấm nhuần hơn nữa tư tưởng của Bác, từ đó sửa đổi ngay những yếu kém, hạn chế trong chính bản thân mình.
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG TRONG “ SỬA ĐỔI LỐI LÀM VIỆC ” (Kỳ 2)

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” được xem như một tác phẩm tâm huyết của Hồ Chí Minh về công tác xây dựng Đảng. Ngoài việc nêu những phẩm chất tốt của của đạo đức cách mạng, Người cũng vạch rõ những tính xấu của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội; Người viết “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu”, song “đã là người cách mạng thì phải cố gắng phát huy những tính tốt, sửa bỏ những tính xấu”. Và cách làm tốt nhất là phải “luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình”. Bác viết tác phẩm nay nhằm vạch ra những sai lầm, khuyết điểm lệch lạc trong nhận thức và chấn chỉnh lại tư tưởng, nâng cao trình độ nhận thức lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của cán bộ, đảng viên, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của cách mạng. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đảng ta, trong nhiều Chỉ thị,Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ chính trị mới rất nặng nề, khó khăn, phức tạp. Trong tình hình mới, ảnh hưởng của cơ chế thị trường, đỏi hỏi phải mang tính cấp thiết là xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, ngang tầm, góp phần thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Bác viết “Sửa đổi lối làm việc” cách đây 72 năm, nhưng những bài học mà Người dạy về tư cách, đạo đức của người cách mạng vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị thời sự trong công tác xây dựng Đảng. Tác phẩm này vẫn luôn là cẩm nang quý, là con đường dẫn lối cho đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày nay. Đọc, nghiên cứu tác phẩm này giúp chúng ta nhìn nhận được những sai lầm, khuyết điểm, lệch lạc còn tồn tại trong mỗi bản thân; từ đó có biện pháp khắc phục, sửa chữa; góp phần xây dựng Đảng ngày một trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân và đất nước, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh... (Còn nữa)

N.N.T - VKSND thị xã Ninh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập