Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Khó khăn, vướng mắc trong công tác Giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đối với giám định tư pháp trong lĩnh vực y tế, dược

Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012 và được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 56/2020/QH14 ngày 10/6/2020 của Quốc hội. Trong quá trình triển khai thi hành, Luật Giám định tư pháp đã đem lại những kết quả tích cực góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.


Đối với công tác Giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa: theo Sở Tư pháp, tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng đội ngũ người làm công tác giám định tư pháp cơ bản đáp ứng về mặt số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 95 giám định viên tư pháp; 2 tổ chức giám định tư pháp công lập; 74 người giám định tư pháp theo vụ việc; 9 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được UBND tỉnh quyết định công nhận. Hiệu quả hoạt động và chất lượng kết luận giám định tư pháp ngày càng nâng cao, được các cơ quan trưng cầu tin tưởng và chấp nhận, góp phần tích cực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan điều tra.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong thực tiễn công tác và quá trình nghiên cứu, tác giả nhận thấy công tác giám định trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa còn có khó khăn, vướng mắc khi thực hiện công tác giám định trong lĩnh vực dược.Theo đó, trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thụ lý, giải quyết các vụ việc, vụ án liên quan đến lĩnh vực dược và cần tiến hành trưng cầu giám định vật chứng thu giữ có phải là thuốc tân dược hay không; thành phần, xuất xứ, chủng loại, công dụng của thuốc thì sẽ gặp khó khăn khi không thể trưng cầu cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Bởi lẽ:

Thứ nhất: đối với việc trưng cầu giám định viên tư pháp thì trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 95 giám định viên tư pháp, trong đó có 01 giám định viên tư pháp của Sở Y tế có lĩnh vực chuyên môn là lĩnh vực dược (danh sách giám định viên tư pháp tỉnh Khánh Hòa đính kèm Thông báo số 37/TB-STP ngày 28/3/2022 của Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa). Tuy nhiên, hiện nay giám định viên này đã nghỉ hưu (thuộc trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại Điều 10 Luật Giám định tư pháp).

Thứ hai: đối với việc trưng cầu tổ chức giám định tư pháp công lập thì trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 02 tổ chức giám định tư pháp công lập là Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hòa và Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa nhưng chỉ thực hiện giám định trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.

Thứ ba: đối với việc trưng cầu người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

Tại Khoản 3 Điều 19 Luật Giám định tư pháp quy định “Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định”. Vì vậy, đối với giám định theo vụ việc, cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trong trường hợp này là Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa) để thực hiện giám định.


Tại Điều 20 Luật Giám định tư pháp quy định:

“1. … Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này để ra quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.
2. Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc quy định tại khoản 1 Điều này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lựa chọn, quyết định việc trưng cầu giám định.


Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, … cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh … có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này ngoài danh sách đã công bố để thực hiện giám định”.


Tuy nhiên, tại Quyết định số 292/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Khánh Hoà về việc công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà thì không có người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, khi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có thể yêu cầu Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật Giám định tư pháp ngoài danh sách đã công bố để thực hiện giám địnhthì Sở Y tế cần phải có thời gian nghiên cứu, rà soát cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để giới thiệu thực hiện giám định. Trên thực tế, chờ đến khi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụngyêu cầugiới thiệu cá nhân, tổ chức đủ điều kiện giám định thì Sở Y tế sẽ bị bị động trong việc giới thiệu cá nhân, tổ chức đủ điều kiện, bị phụ thuộc vào nhân sự hiện có trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, vấn đề này sẽ gây kéo dài thời gian giám định, ảnh hưởng đến thời gian giải quyết vụ việc, vụ án. Bên cạnh đó, qua nghiên cứu, tham khảo thì hiện tại Sở Y tế chưa có tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện để giới thiệu thực hiện giám định trong lĩnh vực dược.

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, Cơ quan có thẩm quyền trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cần có kế hoạch xây dựng đội ngũ, tiến hành bổ sung giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong lĩnh vực y tế, dược.

Hoàng Tân

Liên kết website

Thông kê truy cập