Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Viện KSND huyện Cam Lâm: Kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, Ban Quản lý Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra về công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm

Biển Bãi Dài cách trung tâm thành phố Nha Trang về phía Nam khoảng 20km, thuộc địa phận xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm và một phần phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Với bờ biển phẳng, cát trắng mịn, nước trong xanh trải dài hàng chục cây số, Bãi Dài là một trong những bãi tắm đẹp nhất của tỉnh Khánh Hòa. Hiện nay, Bãi Dài đang đầu tư phát triển và đưa vào hoạt động nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp, trong đó phải kể đến các Resort nổi tiếng như: Fusion, Mia, Vinpearl, The Anam, Swandor, Golden Peak… đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Bên cạnh những mặt tích cực về phát triển kinh tế, đô thị do du lịch đem lại, thì vấn đề về trật tự an toàn xã hội cũng diễn biến tương đối phức tạp, cụ thể là nhiều trường hợp đuối nước đã xảy ra.

Viện KSND huyện Cam Lâm: Kiến nghị Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, Ban Quản lý Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra về công tác cứu hộ, cứu nạn tại các bãi tắm
Ảnh chụp tại Biển Bãi Dài, huyện Cam Lâm

Theo số liệu Viện kiểm sát nhân dân huyện Cam Lâm kiểm sát
khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi tại khu vực Biển Bãi Dài, huyện Cam Lâm từ ngày 07/11/2015 đến 19/01/2022 đã xảy ra 21 vụ đuối nước, làm chết 23 người. Trong đó, tại các bãi tắm công cộng: 05 vụ, chết 06 người (Quốc tịch Canada: 01; Ai Cập: 01; Việt Nam: 04); tại các khu nghỉ dưỡng: 16 vụ, chết 17 người (Quốc tịch Nga: 07, Đức: 01, Trung Quốc: 03, Hàn Quốc: 01, Việt Nam: 05).

Nguyên nhân của các trường hợp đuối nước hầu hết là do: tình hình biển động, sóng lớn, nước thủy triều lên; do người dân, du khách bơi vào khu vực lòng ao, lòng chảo, dòng rút; bơi qua mốc ranh giới khu vực nguy hiểm; không được trang bị các phương tiện cần thiết như áo phao, phao ôm; khi xảy ra đuối nước thì lực lượng cứu hộ, nhân viên y tế không có mặt kịp thời; công tác sơ cứu ban đầu chưa tốt; thiết bị cứu hộ chưa được trang bị đầy đủ, đảm bảo tiêu chuẩn đúng quy định. Bên cạnh đó, một số du khách mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, sau khi uống rượu, bia đã xuống biển tắm...

Ngày 17/4/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cam Lâm đã ban hành Kiến nghị số: 125/KN-VKSCL đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm cùng Ban Quản lý Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh tăng cường chỉ đạo các cơ sở du lịch, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện thực hiện tốt một số giải pháp trong công tác cứu hộ, cứu nạn nhằm giảm thiểu các vụ “chết người” do đuối nước xảy ra. Sau thời điểm Viện kiểm sát kiến nghị, nhận thấy: tại những bãi tắm dọc bờ biển Bãi Dài đã cắm nhiều cờ hiệu, biển báo nguy hiểm, lắp đặt phao giới hạn vùng tắm an toàn; số vụ “chết người” do đuối nước mặc dù còn xảy ra nhưng nhìn chung đã giảm so với trước đây. Tuy nhiên, trong thời gian cả nước thực hiện giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19 và sau khi trở lại “bình thường mới” thì công tác cứu hộ, cứu nạn tại các cơ sở du lịch, khu nghỉ dưỡng có phần bị xem nhẹ, một số nơi có biểu hiện buông lỏng, nhiều bãi tắm đã không còn cắm cờ hiệu, biển báo nguy hiểm, lắp đặt phao giới hạn vùng tắm an toàn, từ đó đã gia tăng nhiều vụ “chết người” do đuối nước xảy ra, trong đó có những vụ việc rất nghiêm trọng như vụ đuối nước làm chết 02 người xảy ra đầu năm 2022, cụ thể:

Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 19/01/2022, ông Đinh Minh Thái, sinh 1954 cùng 02 con ruột là Đinh Minh Thanh Tùng, sinh 1986, Đinh Minh Hoài An, sinh năm 2002 và 03 cháu gái là Đinh Ngọc Hoàn Châu, Lê Ngọc Kim Sa và Lê Ngọc Minh Nguyệt (tất cả đều thường trú tại tỉnh Lâm Đồng) đến Resort Duyên Hà để lưu trú, nghỉ dưỡng.

Khoảng 06 giờ 45 phút ngày 20/01/2022, gia đình ông Thái ra bãi biển tiếp giáp khu vực nhà hàng của Resort để dạo chơi, chụp ảnh. Tùng và An xuống biển tắm, tất cả còn lại ở trên bờ. Trong lúc chơi đùa, An bị sóng cuốn ra xa nên Tùng chạy theo để kéo An vào thì cả hai đều bị sóng cuốn. Thấy vậy, Châu hô hoán, tìm kiếm nhân viên của Resort đến hỗ trợ thì được anh Lê Quốc Vinh (đầu bếp) và anh Huỳnh Thanh Trí (nhân viên cứu hộ của Resort) chạy đến cùng Châu mang phao bơi ra để kéo Tùng, An vào bờ. Tuy nhiên, do sóng lớn nên chỉ kéo được Tùng, còn An bị sóng cuốn trôi. Tùng được đưa đến Trung tâm y tế huyện Cam Lâm cấp cứu nhưng đã tử vong. Đến khoảng 07 giờ 30 phút ngày 22/01/2022, thi thể An trôi dạt vào khu vực bờ biển gần Resort The Arena thuộc thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông.

Sau khi sự việc xảy ra, đại diện Resort Duyên Hà cho rằng vào thời điểm Tùng, An xuống biển tắm thì thời tiết đang vào mùa gió Bấc nên Biển động mạnh, sóng lớn, xuất hiện nhiều lòng ao, lòng chảo, dòng rút rất nguy hiểm và Resort đã cắm cờ, thông báo cho du khách biết. Tuy nhiên, gia đình ông Đinh Minh Thái cho rằng phía Resort đã không cắm cờ, gắn biển cảnh báo (chỉ cắm cờ, gắn biển cảnh báo sau khi sự việc đã xảy ra) và không có nhân viên cứu hộ túc trực, thiếu trang thiết bị cứu hộ, không có đội ngũ y tế để sơ cứu ban đầu.... Gia đình ông Thái yêu cầu Resort Duyên Hà phải có trách nhiệm về cái chết của 02 con ông.

Kết quả quá trình kiểm tra, xác minh, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cam Lâm xác định nguyên nhân xảy ra vụ việc là do Đinh Minh Thanh Tùng và Đinh Minh Hoài An trong quá trình tắm biển đã bất cẩn nên bị sóng biển cuốn ra xa, dẫn đến đuối nước và tử vong nên không có sự việc phạm tội và ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.

Mặc dù vụ đuối nước nêu trên xác định không có sự việc phạm tội, tuy nhiên việc hai bên đổ thừa trách nhiệm qua lại cho nhau và phía gia đình ông Thái mất mát 02 người thân là điều đáng thương tâm; đã gây ra dư luận không tốt về vấn đề thiếu an toàn ở các bãi tắm, khu nghỉ dưỡng thuộc khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh, làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế, du lịch của địa phương.

Để nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm và tội phạm, giảm thiểu các vụ “chết người” do đuối nước xảy ra; để các cơ sở du lịch, khu nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện tiếp tục là điểm đến an toàn, thu hút du khách trong và ngoài nước đến lưu trú, nghỉ dưỡng trong thời gian tới, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cam Lâm kiến nghị Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm cùng Ban Quản lý Khu du lịch Bán đảo Cam Ranh tiếp tục thực hiện Kiến nghị số: 125/KN-VKSCL ngày 17/4/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Cam Lâm và tăng cường công tác chỉ đạo các cơ sở du lịch, khu nghỉ dưỡng thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Cần lắp đặt các biển cảnh báo khu vực nguy hiểm có lòng chảo, dòng chảy xa bờ, hướng dẫn bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; khoanh vùng các khu vực tắm an toàn và khu vực nguy hiểm không được tắm; thống nhất về cờ hiệu, phao tiêu, biển báo, độ sâu...

- Tuyên truyền trên hệ thống loa ven biển, website, fanpage về thời gian được tắm, về tình hình biển động, về nội quy bãi biển, về các trường hợp không nên tắm...

- Thành lập tổ, đội cứu hộ, cứu nạn thường trực và trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ như phao cứu sinh, môtô nước, bình ôxy... để đảm bảo an toàn cho người dân, khách tham quan, du lịch.

- Tăng cường công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về kỹ năng sơ cấp cứu đuối nước cho các đối tượng là nhân viên, quản lý cơ sở du lịch, bãi tắm, khu nghỉ dưỡng.

Hoàng Dung

Liên kết website

Thông kê truy cập