Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Viện kiểm sát nhân dân Tỉnh Khánh Hòa, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; 10 năm qua, Ban cán sự đảng, Đảng ủy Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã nghiêm túc quán triệt và thực hiện tốt tinh thần Nghị quyết số 11 về công tác nữ trong ngành và đạt được những kết quả nhất định.

Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa hiện có 183 biên chế và 31 hợp đồng lao động theo Nghị định 68 của Chính phủ. Công chức nữ trong biên chế chiếm tỉ lệ 40% (73/183) và lao động nữ hợp đồng chiếm tỉ lệ 41%(13/31).

Nhìn chung, các cấp ủy đảng, đơn vị trong ngành kiểm sát Khánh Hòa đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho công chức, đảng viên, lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.

Thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ. Đặc biệt quan tâm đến nội dung thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức nữ có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu. Hiện nay, công chức nữ trong toàn ngành có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đạt tỷ lệ 99% (72/73); trong đó: Thạc sĩ 01; Cử nhân 61; trung cấp, cao đẳng 10 và lao động nữ hợp đồng có trình độ 8/12 trở lên chiếm tỉ lệ 41% (13/31). Nữ công chức có trình độ cao cấp lý luận chính trị 03/25 (chiếm tỉ lệ 12%), trung cấp chính trị 05/16 (31%), quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính 04/19 (21%). (tỷ lệ được tính trên cơ sở so sánh giữa nam và nữ cùng trình độ).

Ban Cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa luôn quan tâm đến việc xây dựng quy hoạch cán bộ nữ trong quy hoạch tổng thể về cán bộ của Đảng ở Viện kiểm sát 2 cấp; gắn việc xây dựng quy hoạch với chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để chủ động về nhân sự đề bạt, bổ nhiệm bảo đảm tiêu chuẩn của từng chức danh, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy được thế mạnh, ưu điểm của cán bộ nữ. Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm. Số lượng nữ trong quy hoạch nhiệm kỳ 2015-2020: 10/26 (chiếm 39%); nhiệm kỳ 2021-2026: 13/40 (chiếm 33%). Trong 10 năm, đã thực hiện việc bổ nhiệm đối với 09 công chức nữ trong quy hoạch gồm 01 Phó Viện trưởng, 03 Trưởng phòng, 03 Phó trưởng phòng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và 02 Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện. Hiện có 04 nữ công chức tham gia cấp ủy; phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng trong ngành Kiểm sát Khánh Hòa đã tăng cường trách nhiệm, tham gia ý kiến để đảm bảo cơ cấu hợp lý công chức nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở hai cấp kiểm sát; đồng thời chỉ đạo thực hiện lồng ghép giới trong công tác tổ chức cán bộ. Số lượng nữ hiện đang tham gia lãnh đạo quản lý 09/50 (chiếm 18%). Thực hiện tốt khâu tuyển chọn, đánh giá cán bộ nữ làm tiền đề xây dựng quy hoạch, đào tạo, đề bạt bổ nhiệm. Quan tâm bồi dưỡng phát triển đảng viên nữ , chú trọng việc bố trí, phân công công tác để đảng viên nữ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.

Ban Cán sự đảng luôn quan tâm chỉ đạo các đơn vị thường xuyên rà soát đội ngũ cán bộ để phát hiện cán bộ nữ có triển vọng phát triển tốt tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo Viện đưa vào quy hoạch, đảm bảo thực hiện chỉ tiêu đề ra tại Kế hoạch hành động về bình đẳng giới giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020 của Viện kiểm sát tỉnh.

Tổ chức giám sát, kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ nữ, nhất là chính sách về tiền lương, BHXH, BHYT, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, chính sách  đối với cán bộ nữ mang thai, nuôi con nhỏ…

Tuy nhiên: Công tác nữ ở Viện kiểm sát Khánh Hòa vẫn còn có mặt hạn chế: Tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý có tăng nhưng chưa đồng đều, tỷ lệ còn thấp,hầu hết tập trung ở cấp tỉnh và thành phố chưa tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của lực lượng lao động nữ trong các đơn vị. Một trong những nguyên nhân của hạn chế đó là: Tư tưởng an phận, ngại thay đổi môi trường công tác vẫn tồn tại trong một bộ phận nữ nên việc điều động, luân chuyển, quy hoạch đối với cán bộ nữ còn gặp nhiều khó khăn.

 

 Bài học kinh nghiệm:

- Để thực hiện tốt Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng, Chính quyền, công chức, đảng viên và người lao động cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ về các quan điểm, nội dung, giải pháp của Nghị quyết.

- Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” phải thật sự phát huy vai trò, vị trí, chủ động thực hiện công tác tham mưu cho Ban Cán sự đảng, Chính quyền về công tác phụ nữ trong thời kỳ mới.

- Ban cán sự Đảng cần quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực hoạt động đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

- Phát huy trí tuệ tập thể, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất, thương yêu giúp đỡ nhau là yếu tố quyết định sự phát triển phong trào phụ nữ.

- Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, đa dạng hóa các loại hình tập hợp phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của phụ nữ; tôn trọng và phát huy nội lực của phụ nữ.

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phụ nữ trong thời gian tới:

Tiếp tục tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức cho công chức, đảng viên và người lao động  về ý nghĩa, mục đích của Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước gắn với tổ chức quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” và Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thực hiện các nội dung Luật Hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo hành gia đình đến công chức, đảng viên và người lao động. Thực hiện tốt các chính sách liên quan đến Giới, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ như: công tác quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ nữ nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, từng bước giảm dần khoảng cách về giới trong đơn vị. Tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Tăng cường công tác nghiên cứu các văn bản về chính sách liên quan đến bình đẳng giới, công tác phụ nữ, về quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em; góp phần cải thiện và nâng cao sức khỏe, phát huy trí tuệ, năng lực của phụ nữ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong tất cả các lĩnh vực.

Chỉ đạo củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ”, phát huy vai trò tham mưu chính quyền chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11- NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, kinh phí để Ban “Vì sự tiến bộ phụ nữ” hoạt động có hiệu quả; kịp thời giải quyết những đề xuất, kiến nghị liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ trong đơn vị.

Ngọc Tuyết - Phòng 15

Liên kết website

Thông kê truy cập