Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới

Những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý các trường hợp sử dụng trái phép tiền thuế GTGT

Thuế là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách, là công cụ tài chính quan trọng của Nhà nước. Thuế luôn có tầm quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của mỗi đất nước. Có thể nói hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đều xác định tầm quan trọng của thuế trong việc phát triển Kinh tế - Xã hội; Quốc phòng - An ninh. Chính vì tầm quan trọng của Thuế và để việc đảm bảo công bằng trong sản xuất, kinh doanh…thì các quốc gia đã ban hành ra nhiều loại thuế.

Tại Việt Nam, theo quy định của Luật quản lý thuế số 78/2006/QH11 được Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp lần thứ 10 ngày 29/11/2006 thông qua thì thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước. Hệ thống sắc thuế hiện nay ở Việt Nam có hơn 10 loại thuế: Thuế Giá trị gia tăng, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Xuất nhập khẩu, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân… và Hệ thống sắc thuế được chia thành: thuế Trực thu và thuế Gián thu. Trong bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những khó khăn, vướng mắc, tồn tại khi xử lý những hành vi không nộp thuế Giá trị gia tăng (sau đây xin được viết tắt là Thuế GTGT).. 

         Theo quy định tại điều 2 của Luật Thuế Những khó khăn vướng mắc trong việc xử lý các trường hợp sử dụng trái phép tiền thuế GTGTGTGT được Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 thì: “Thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng”. Cũng tại điều 4 của Luật Thuế GTGT quy định: “Người nộp thuế giá trị gia tăng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa chịu thuế giá trị gia tăng (sau đây gọi là người nhập khẩu)”.

         Trong những năm gần đây lợi dụng những quy định của Nhà nước về chính sách Thuế, về thủ tục nộp thuế GTGT… không ít cá nhân, doanh nghiệp sau khi mua bán hàng hóa và đem bán lại cho tổ chức, cá nhân khác (sau đây xin được gọi là người mua hàng). Những người mua hàng này đã phải chịu 1 khoản tiền Thuế GTGT ngay trong giá mua hàng. Sau khi nhận được tiền của người mua hàng (có tiền thuế GTGT), đáng lẽ ra cá nhân, doanh nghiệp phải có trách nhiệm nộp lại số tiền Thuế GTGT vào ngân sách Nhà nước (hàng trăm triệu, thậm chí nhiều tỷ đồng) theo đúng thời gian quy định của Luật Thuế GTGT, theo đúng thông báo của cơ quan Thuế. Thế nhưng các cá nhân, doanh nghiệp này không tiến hành nộp lại cho ngân sách Nhà nước mà sử dụng vào mục đích khác như trả nợ vay, đầu tư vào công việc kinh doanh… để chây ì việc nộp thuế, kéo dài thời gian nộp thuế, thậm chí có trường hợp không nộp. Khi cơ quan Thuế, Cơ quan Công an yêu cầu doanh nghiệp chứng minh số tiền thuế GTGT mà doanh nghiệp đã sử dụng với mục đích trên thì Doanh nghiệp không chứng minh được. Thậm chí có Doanh nghiệp trong khi không thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuế GTGT vào NSNN, thì doanh nghiệp tiếp tục vào địa phương khác lập doanh nghiệp mới hay tuyên bố giải thể. Dẫn đến cơ quan thuế không thể thu hồi được số tiền thuế GTGT.

         Trước thực trạng trên các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý hành vi không nộp lại cho ngân sách Nhà nước số tiền Thuế GTGT. Chúng tôi xin nêu 1 ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân Khánh Vân được thành lập theo giấy phép kinh doanh số 370100595 ngày 23/10/2003 của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, có trụ sở tại Thôn Tân Qúy, xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm ngành nghề kinh doanh: Mua, bán sản phẩm thủy sản chưa qua chế biến. Doanh nghiệp nay do ông Phạm Ngọc Khánh làm Giám đốc. Cho đến ngày 15/2/2009 ông Phạm Ngọc Khánh có quyết định số 01/QĐ - 2009, bổ nhiệm bà Lê Thị Vân (vợ ông Khánh) làm Phó Giám đốc điều hành kinh doanh và trên thực tế bà Lê Thị Vân là người toàn quyền quyết định mọi việc kinh doanh, tài chính, điều hành nhân sự…của doanh nghiệp.

            Với chức năng đã được phép trong thời gian hoạt động, doanh nghiệp này đã tiến hành thu mua hàng hải sản (chủ yếu là tôm) của một số hộ dân nuôi trồng thủy sản thuộc một số xã trên địa bàn huyện Cam Lâm… sau đó bán lại cho một số Doanh nghiệp chế biến thủy sản khác trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa để các doanh nghiệp này chế biến thành sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng, cho xuất khẩu. Theo tính toán của Chi Cục thuế Nhà nước huyện Cam Lâm cho đến tháng 9 năm 2009 tổng số tiền thuế GTGT của các doanh nghiệp chế biến thủy sản nói trên sau khi mua hàng hải sản của Doanh nghiệp Kim Vân và chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp này là 1.513.310.965đ00 (Một tỷ năm trăm mười ba triệu chín trăm sáu mươi năm đồng). Sau khi đã nhận số tiền nói trên Doanh nghiệp Kim Vân  không nộp vào NSNN theo thông báo của Chi cục thuế Nhà nước huyện Cam Lâm mà tiến hành đầu tư vào các lĩnh vực khác. Theo đại diện Doanh nghiệp trình bày: Đã đầu tư cho 1 số hộ nuôi trồng thủy sản để họ bán nguyên liệu ( tôm) cho Doanh nghiệp, trả lãi vay ngân hàng, đầu tư cho hoạt động của Doanh nghiệp…Khi cơ quan Thuế, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cam Lâm yêu cầu Doanh nghiệp chứng minh số tiền thuế GTGT mà Doanh nghiệp đã sử dụng với mục đích trên thì  Doanh nghiệp không chứng minh được.

         Trong khi không thực hiện nghĩa vụ nộp 1.513.310.965đ00 tiền thuế GTGT vào NSNN, thì Doanh nghiệp tiếp tục vào huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận lập Công ty TNHH thủy sản Thanh Vân ( cũng giống như chức năng hoạt động của Doanh nghiệp Khánh Vân ở huyện Cam Lâm) có địa chỉ tại Thôn Thanh Lương, xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép kinh doanh số 3400834968 ngày 18/11/2009. Trong quá trình hoạt động, Doanh nghiệp Thanh Vân cũng thực hiện việc không nộp tiền thuế GTGT mà các doanh nghiệp đã mua hàng hải sản của Doanh nghiệp này (giống như đã làm tại Doanh nghiệp Khánh Vân ở huyện Cam Lâm) để đầu tư vào việc khác.

            Cho đến ngày 27/9/2010 Doanh nghiệp tư nhân Khánh Vân tại huyện Cam Lâm có Quyết định 01/QĐ - 2010 về việc giải thể Doanh nghiệp với lý do không tiếp tục kinh doanh. Từ đó đến nay Chi Cục thuế huyện Cam Lâm không thể thu hồi được số tiền thuế GTGT 1.513.310.965 đồng trên tổng số tiền thuế các loại mà Doanh nghiệp này còn nợ Ngân sách Nhà nước là 2.681.000.000 đồng.

         Qua vụ việc nêu trên có nhiều quan điểm khác nhau về cách giải quyết. Qua trang tin điện tử của ngành kiểm sát Khánh Hòa, chúng tôi xin được nêu ra để các đồng nghiệp và bạn đọc trao đổi:

            - Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hành vi không nộp số tiền thuế GTGT  chỉ là hành vi nợ thuế và việc xử lý hành vi này cơ quan thuế chỉ cần áp dụng những quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính; Nghị định 98/2007/NĐ - CP ngày 7/06/2007 của Chính Phủ về xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực thuế; Thông tư 61/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính để ra Quyết định xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nhằm thu hồi tiền cho Nhà nước. Quan điểm này đang được một số cơ quan Thuế ở các địa phương áp dụng như: Đình chỉ sử dụng hóa đơn, thu hồi mã số Thuế, ra quyết định hành chính về việc Cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên. Nhưng khi triển khai thực hiện thì tài khoản của Doanh nghiệp không có, các tài sản khác như nhà xưởng, trang thiết bị, đất đai, nhà cửa… (giá trị thấp và đều đã thế chấp cho các Ngân hàng). Do vậy, biện pháp này không thực hiện được.

         - Quan điểm thứ hai cho rằng: Hành vi không nộp số tiền thuế GTGT của Doanh nghiệp cần phải điều chỉnh bằng pháp luật hình sự, cụ thể cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiêm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại  điều 140 của Bộ luật Hình sự. Quan điểm này dựa trên những lý do, căn cứ sau: Theo quy định của Luật Thuế GTGT có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2009, thì có thể hiểu Nhà nước quy định cá nhân, tổ chức sau khi đã nhận được tiền Thuế GTGT của những người mua hàng (có thể qua việc chuyển tiền vào tài khoản, chuyển tiền mặt) phải có nghĩa vụ nộp lại số tiền Thuế GTGT đó vào ngân sách Nhà nước theo đúng thời gian quy định của Luật Thuế GTGT, hay theo đúng thông báo của cơ quan thuế. Hay có thể hiểu một cách đơn giản là Nhà nước đã tin tưởnggiao cho những cá nhân, tổ chức “giữ tiền của Nhà nước” trong một thời gian. Sau đó cá nhân, tổ chức phải có trách nhiệm chuyển trả tiền cho Nhà nước”. Do vậy, hành vi không chuyển trả tiền cho Nhà nước” phải được coi là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể trường hợp trên sau khi doanh nghiệp bán hàng hải sản cho các cá nhân, tổ chức thì các cá nhân, tổ chức đó đã chuyển về tài khoản của doanh nghiệp một khoản thuế GTGT. Đáng lẽ ra doanh nghiệp này phải có nghĩa vụ nộp vào Ngân sách Nhà nước, nhưng doanh nghiệp này không thực hiện. Việc doanh nghiệp trình bày tiến hành đầu tư vào các lĩnh vực khác như: Đầu tư cho một số hộ nuôi trồng thủy sản trả lãi vay ngân hàng, đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp… (cơ quan Thuế, Cơ quan Công an đã yêu cầu doanh nghiệp chứng minh số tiền đã đầu tư nhưng doanh nghiệp không chứng minh được). Doanh nghiệp tuyên bố giải thể chẳng qua là thủ đoạn để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ nộp lại số thuế GTGT mà đáng lẽ doanh nghiệp thực hiện.

            - Quan điểm thứ ba cho rằng: Việc xem xét hành vi không nộp số tiền thuế GTGT (hay có thể nói là giữ lại số tiền thuế GTGT) của doanh nghiệp là hành vi lạm dụng tín nhiệm và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được quy định tại  điều 140 của Bộ luật Hình sự là không đúng vì: Doanh nghiệp đã sử dụng số tiền thuế GTGT (là tài sản của Nhà nước) vào mục đích khác và không có hiệu quả. Dẫn đến khi cơ quan Thuế (cơ quan được Nhà nước giao nhiệm vụ thu số tiền trên) yêu cầu nộp lại thì doanh nghiệp không trả được. Hành vi sử dụng trái phép tài sản Nhà nước cần phải được truy cứu trách nhiệm về tội Sử dụng trái phép tài sản theo quy định tại điều 142 của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, quan điểm này cũng phân vân việc Doanh nghiệp trình bày: Tiền đã đầu tư cho một số hộ nuôi trồng thủy sản trả lãi vay ngân hàng, đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp…là chưa có căn cứ. Mặt khác thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đối với tội Sử dụng trái phép tài sản chưa được hướng dẫn, quy định một cách cụ thể.

       Nếu như hành vi với các hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hoá đơn Giá trị gia tăng đã được quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2004/TTLT/BCA - TANDTC – VKSNDTC - BTP ngày 23 tháng 11 năm 2004 của Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp thì tùy từng trường hợp sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 139; về "tội buôn lậu" theo Điều 153; về "tội trốn thuế" theo Điều 161; về "tội mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước" theo Điều 268; về "tội tham ô tài sản" theo Điều 278 của Bộ luật hình sự.

       Nhưng trong thực tế hành vi cố tình không nộp cho Ngân sách nhà nước tiền thuế GTGT (sau khi cơ quan Thuế đã có thông báo thuế) và sử dụng tiền thuế GTGT vào mục đích khác (như đã nêu trên) vẫn còn “bỏ ngỏ” hay nói một cách khác chưa pháp luật hình sự điều chỉnh. Do vậy, không ít Doanh nghiệp ở nhiều địa phương trong cả nước đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, pháp luật chưa quy định là tội phạm để lách luật” và dẫn đến việc Ngân sách Nhà nước bị thất thoát một số tiền không nhỏ và họ lại không bị pháp luật “sờ gáy”. Đây không phải chỉ là vấn đề quan tâm của ngành Thuế trong công tác thu thuế, chống thất thu thuế mà còn là mối lo, trách nhiệm chung của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan pháp luật trong quá trình đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực Thuế.

      Để xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng “kẽ hở” của luật pháp để tìm mọi cách lách luật”  mang lại lợi ích cá nhân. Trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự năm 1999 (được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI, thông qua ngày 21/12/1999 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2000; được sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII ngày 19/6/2009) sắp tới, chúng tôi đề nghị các ngành Tư pháp Trung ương, các cơ quan soạn thảo quan tâm nên đưa những hành vi chiếm đoạt tiền thuế GTGT chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Hình sự. Có như vậy mới xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng “kẽ hở” của luật pháp để tìm mọi cách lách luật”  mang lại lợi ích cá nhân, đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế, góp phần tích cực, hữu hiệu vào việc đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm trên lĩnh vực này./.

Nguyễn Thanh Hào (VKSND huyện Cam Lâm)

Liên kết website

Thông kê truy cập