Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC ĐỀ RA YÊU CẦU ĐIỀU TRA CỦA KIỂM SÁT VIÊN TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN KHÁNH SƠN.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra theo tinh thần cải cách tư pháp, trong những năm gần đây, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn đặc biệt quan tâm, tăng cường các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra, công tác đề ra yêu cầu điều tra luôn được triển khai thực hiện. Do đó, 100% vụ án ngay sau khi khởi tố, Kiểm sát viên được phân công kiểm sát điều tra đều nghiên cứu kỹ hồ sơ và đề ra yêu cầu điều tra kịp thời, nội dung yêu cầu điều tra đảm bảo sát đúng với nội dung vụ án. Trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên đã kịp thời nắm bắt những nội dung mới phát sinh để trực tiếp trao đổi hoặc bổ sung nội dung yêu cầu điều tra, giúp cho Điều tra viên điều tra vụ án được kịp thời, đúng tiến độ, đảm bảo tính chính xác và toàn diện. Từ đó góp phần nâng chất lượng của công tác điều tra, truy tố, xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung hoặc đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm.

Từ năm 2015 đến hết tháng 8/2018 trên địa bàn huyện Khánh Sơn không để xảy ra các trường hợp án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, không có vụ án nào phải đình chỉ điều tra do hành vi không cấu thành tội phạm hoặc Toà án tuyên không phạm tội v.v…( đạt 100% so với chỉ tiêu đề ra).

Năm

Tổng số vụ án

Số yêu cầu điều tra ban hành

Số vụ án do TA trả cho VKS hoặc VKS trả cho CQĐT để điều tra lại

Số vụ án bị đình chỉ hoặc TA tuyên không phạm tội

Năm 2015

20 vụ/11 bị can

20

Không

Không

Năm 2016

6 vụ/19 bị can

06

Không

Không

Năm 2017

8 vụ/16 bị can

08

Không

Không

8 tháng 2018

8 vụ/19 bị can

09

Không

Không


(Bảng thống kê số liệu từ năm 2015 đến tháng 8/2018 đối với các vụ án hình sự được Viện kiểm sát thụ lý kiểm sát và ban hành yêu cầu đều tra).

   Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế: một số bản yêu cầu điều tra còn mang tính hình thức, dài dòng, khó hiểu, nội dung còn chung chung dẫn đến Điều tra viên khó thực hiện; năng lực của Kiểm sát viên khi kiểm sát điều tra còn hạn chế dẫn đến chất lượng các yêu cầu điều tra chưa cao.

* Nguyên nhân:

- Do Kiểm sát viên nhận thức chưa đúng đắn về trách nhiệm, quyền hạn của mình về việc đề ra yêu cầu điều tra trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự

- Quá trình nghiên cứu hồ sơ không kỹ, không nắm bắt đầy đủ các tình tiết trong vụ án; ngại va chạm, né tránh, thụ động, coi việc điều tra là trách nhiệm của Điều tra viên và của Cơ quan điều tra.

- Lãnh đạo Viện đôi khi còn thiếu quan tâm trong việc kiểm tra thực hiện trách nhiệm đề ra yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên.

- Chưa có hướng dẫn cụ thể về xây dựng yêu cầu điều tra, quy trình yêu cầu điều tra khái quát chung theo Điều 85, Điều 416 BLTTHS, việc ban hành yêu cầu điều tra mang tính tùy nghi, không thống nhất, phụ thuộc vào nhận thức của Kiểm sát viên.

- Đối với yêu cầu điều tra “bằng lời”, chỉ mang tính chất trao đổi, không mang tính bắt buộc, dẫn đến tùy nghi đối với Điều tra viên.

Như vậy, ý thức trách nhiệm của Kiểm sát viên đối với công việc được phân công chưa cao, năng lực chuyên môn hạn chế, đây là một trong những yếu tố làm cho yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát chưa có ảnh hưởng lớn đối với Điều tra viên và Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra vụ án.

Ngoài ra, còn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là do nhận thức của Điều tra viên chưa đầy đủ về trách nhiệm thực hiện yêu cầu điều tra, khi được phân công điều tra vụ án hình sự đã thực hiện không đầy đủ, không nghiêm túc yêu cầu điều tra. Cơ quan điều tra không thực hiện nhưng cũng không nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra.

Để nâng cao chất lượng, tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra theo tinh thần cải cách tư pháp mà các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Đại hội Đảng đã đặt ra. Viện kiểm sát nhân dân huyện Khánh Sơn cần chú trọng nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bản yêu cầu điều tra với những giải pháp cụ thể sau đây:

            1. Đối với Kiểm sát viên:

Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Kiểm sát viên trong việc đề ra yêu cầu điều tra. Kiểm sát viên phải nắm rõ những đặc điểm riêng của tội phạm, thường xuyên kiểm sát tiến độ điều tra, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chủ động tổng hợp, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và phải nhạy bén trong tư duy pháp lý trên cơ sở nhận thức đúng đắn, vận dụng đầy đủ, chính xác những quy định của pháp luật. Kiểm sát viên cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc ban hành yêu cầu điều tra; phải xác định việc ban hành yêu cầu điều tra là công cụ hữu hiệu để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Ngay từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố cần đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh (nếu cần thiết) và khi vụ án được khởi tố, Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, Kiểm sát viên phải ban hành yêu cầu điều tra, đồng thời phải được thay đổi, bổ sung khi hoạt động điều tra thu thập được những tài liệu, chứng cứ mới của vụ án mà cần thiết phải được chứng minh làm rõ.

 Để có một bản yêu cầu điều tra chất lượng, có nội dung đầy đủ, toàn diện, sát với tiến độ điều tra và bảo đảm mang tính khả thi, Kiểm sát viên phải lưu ý một số các bước xây dựng yêu cầu điều tra sau đây:

 - Bước 1: Nghiên cứu kỹ các tài liệu có trong hồ sơ; nắm vững các quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn liên quan để áp dụng giải quyết vụ án cụ thể.

- Bước 2: Phân tích, đánh giá chứng cứ, đưa ra các giả thuyết về diễn biến của vụ án, đặt ra các câu hỏi và câu trả lời về những vấn đề cần chứng minh trong vụ án theo quy định tại Điều 85, Điều 416 BLTTHS, trên cơ sở đó nêu những vấn đề cần phải điều tra để yêu cầu điều tra. Nội dung yêu cầu điều tra phải được xây dựng dựa trên thông tin được phản ánh qua các tài liệu, chứng cứ đã được Cơ quan điều tra thu thập theo quy định của pháp luật, không được dựa trên suy diễn chủ quan.

- Bước 3: Nghiên cứu các thủ tục tố tụng, xác định những thủ tục nào chưa được thực hiện hay đã thực hiện nhưng chưa đúng quy định của BLTTHS để yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện và khắc phục, bổ sung, hoàn thiện.

- Bước 4: Soạn thảo yêu cầu điều tra đảm bảo đúng hình thức, nội dung quy định.

- Bước 5: Trình Lãnh đạo Viện thông qua bản yêu cầu điều tra trước khi ban hành. Sau khi Kiểm sát viên ký và đóng dấu, bản yêu cầu điều tra được gửi cho Cơ quan điều tra và lưu hồ sơ kiểm sát. Kiểm sát viên cần làm việc với Điều tra viên về từng nội dung yêu cầu điều tra để có sự thống nhất về hoạt động điều tra. Những nội dung nào Điều tra viên chưa rõ hoặc hiểu chưa đầy đủ thì cần giải thích. Trong trường hợp cần thiết có thể trao đổi với Điều tra viên về cách thức tiến hành điều tra để đạt được nội dung theo yêu cầu điều tra.

 - Bước 6: Kiểm sát viên thường xuyên theo dõi tiến độ điều tra, những vấn đề phát sinh cần điều tra tiếp thì trao đổi trực tiếp bằng lời với Điều tra viên hoặc Lãnh đạo Cơ quan điều tra để củng cố hoặc ban hành yêu cầu điều tra bổ sung tiếp theo.

-  Bước 7. Trước khi vụ án kết thúc điều tra, Kiểm sát viên phải nghiên cứu hồ sơ để xác định toàn bộ những yêu cầu điều tra đã được Điều tra viên, Cơ quan điều tra thực hiện đúng và đầy đủ chưa, Kiểm sát viên và Điều tra viên cùng nhau rà soát lại toàn bộ chứng cứ, thủ tục tố tụng có trong hồ sơ vụ án và lập biên bản làm việc, nếu xét thấy còn những vấn đề cần phải chứng minh, thu thập thì Kiểm sát viên yêu cầu Điều tra viên phải hoàn tất trước khi kết luận điều tra vụ án.

            2. Đối với Lãnh đạo Viện kiểm sát:

- Tổ chức bố trí, sắp xếp, phân công cán bộ, Kiểm sát viên có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có kinh nghiệm, bản lĩnh trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra để phát huy thế mạnh trong việc đề ra yêu cầu điều tra, bảo đảm yêu cầu điều tra có chất lượng, góp phần giải quyết vụ án nhanh chóng, chính xác, đúng quy định của pháp luật.
          - Chú trọng việc hướng dẫn, chỉ đạo Kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra và cần thiết phải duyệt văn bản này trước khi ban hành; thường xuyên tiến hành rút kinh nghiệm trong đơn vị; tăng cường công tác bồi dưỡng tại chỗ cho Kiểm sát viên về kỹ năng xây dựng bản yêu cầu điều tra. Tập hợp những bản yêu cầu điều tra có chất lượng để nhân rộng cho các Kiểm sát viên trong đơn vị nghiên cứu, học tập.

- Luôn tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác đề ra yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên đối với từng vụ án, nhất là những vụ án trọng điểm, những vụ án phức tạp về chứng cứ, các vụ án mà bị can không nhận tội… qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm của Kiểm sát viên trong quá trình kiểm sát điều tra nói chung và việc đề ra yêu cầu điều tra nói riêng.

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; theo đó, gắn kết quả thực hiện chuyên môn nghiệp vụ với kết quả bình xét thi đua, đánh giá cán bộ cuối năm.

          3. Tăng cường phối hợp giữu Kiểm sát viên và Điều tra viên trong việc thực hiện yêu cầu điều tra:

            Để phát huy được hiệu quả của yêu cầu điều tra, không thể không nhắc đến vai trò của Điều tra viên, Cơ quan điều tra. Do vậy, cần phải tăng cường sự phối hợp giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên, giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát để có nhận thức chung đúng đắn về hoạt động yêu cầu điều tra và trách nhiệm thực hiện yêu cầu điều tra theo quy định của pháp luật. Nâng cao ý thức trách nhiệm của Kiểm sát viên, Điều tra viên trong hoạt động điều tra đối với từng vụ án cụ thể cũng như hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.

     Quan hệ giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên là quan hệ phối hợp, cùng chung nhiệm vụ, đó là: Làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Vì vậy, nếu Kiểm sát viên có trình độ, năng lực và có trách nhiệm cao trước công việc thì sẽ đề ra được các yêu cầu điều tra có chất lượng giúp cho Điều tra viên trong việc thu thập, củng cố chứng cứ và hoàn thiện thủ tục tố tụng để sớm kết thúc vụ án. Ngược lại, nếu Kiểm sát viên không có trình độ, năng lực, thiếu tinh thần trách nhiệm, không nắm chắc tiến độ, nội dung vụ án thì không đề ra được yêu cầu điều tra, hoặc có đề ra được thì bản yêu cầu điều tra cũng không có chất lượng.

     Như vậy, có thể khẳng định rằng, chính chất lượng các bản yêu cầu điều tra và năng lực của Kiểm sát viên sẽ chi phối mối quan hệ giữa Điều tra viên và Kiểm sát viên, tạo nên hiệu lực, hiệu quả của bản yêu cầu điều tra và kết quả giải quyết vụ án. Vì vậy, đòi hỏi mỗi Kiểm sát viên phải không ngừng nâng cao trình độ, năng lực và trách nhiệm trước công việc, góp phần tích cực vào việc xây dựng mối quan hệ trong việc thực hiện bản yêu cầu điều tra.


Nguyễn Văn Doanh - VKSND huyện Khánh Sơn

Liên kết website

Thông kê truy cập