Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

Cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án ở giai đoạn sơ thẩm- nhìn từ góc độ quyền dân sự của đương sự

Điều 70- Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định khi tham gia tố tụng dân sự, các đương sự có quyền và nghĩa vụ ngang nhau. Một trong những quyền tố tụng mang tính điển hình nhất cho sự bình đẳng giữa các các đương sự là quyền cung cấp, tài liệu chứng cứ cho Tòa án để cơ quan này giải quyết tranh chấp, xem xét, yêu cầu của họ. Việc đương sự trong vụ án dân sự cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thực chất chính là hoạt động mang tính “tự bảo vệ” của mỗi đương sự trước các yêu cầu khởi kiện của đương sự có đối lập về quyền, lợi ích với họ.       Song, thực tiễn cho thấy bên cạnh phần lớn các đương sự trong vụ án dân sự nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của việc mình “cần” và “nên” cung cấp tài liệu, chứng cứ để Tòa án xem xét trong qúa trình giải quyết vụ án thì vẫn còn không ít trường hợp đương sự cho rằng việc cung cấp tài liệu, chứng cứ là nghĩa vụ của đương sự bên kia khi đưa ra yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập mà không phải là nghĩa vụ của mình. Vì vậy, nhiều trường hợp mặc dù họ đang nắm giữ các tài liệu, chứng cứ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc giải quyết vụ án nhưng họ lại không cung cấp cho Tòa án. Đến khi nhận thấy phán quyết của Tòa án có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của mình thì lúc này họ mới xuất trình chứng cứ. Điều này đã gây không ít khó khăn cho quá trình giải quyết vụ án của Tòa án, nhiều vụ án với việc đương sự xuất trình chứng cứ mới ở giai đoạn tố tụng sau đã làm cho các bản án, quyết định trước đó bị hủy, dẫn đến vụ án bị kéo dài, gây lãng phí không ít thời gian, tiền của và công sức cho phía đương sự và cả cơ quan nhà nước.

Vì vậy, tác giả thực hiện bài viết này với mong muốn góp phần tuyền truyền pháp luật đến người dân nói chung, nhất là các đương sự trong các vụ án dân sự nhằm giúp họ hiểu rõ thêm về ý nghĩa, tầm quan trọng và nhất là nhận thức đúng đắn về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án dước góc độ là “quyền” của đương sự.

Thực tiễn giải quyết các vụ dân sự hiện nay cho thấy, tình trạng các đương sự nói chung, trong đó chủ yếu là bị đơn không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ cho Tòa án xem xét ở giai đoạn sơ thẩm là tương đối phổ biến. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như: do đương sự nhận thức chưa đầy đủ về quyền, nghĩa vụ của mình trong tố tụng dân sự; do chưa hiểu rõ hết ý nghĩa của việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; thái độ coi thường, không tôn trọng pháp luật, cố tình không hợp tác, bỏ mặc tùy Tòa án ra phán quyết … từ phía bị đơn hoặc từ phía người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có lợi ích đối lập với nguyên đơn; sự can thiệp từ phía những người có ảnh hưởng với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có lợi ích đối lập với nguyên đơn với mục đích kéo dài vụ án … ; về phía các cơ quan tiến hành tố tụng nhận thấy cũng có một phần trách nhiệm từ chính người tiến hành tố tụng, nhất là Thẩm phán- là người trực tiếp xây dựng hồ sơ vụ án và có thẩm quyền trong việc xem xét, giải quyết yêu cầu của đương sự trong giai đoạn vụ án chuẩn bị xét xử và nhất là họ có vai trò quan trọng, có ảnh hưởng lớn đối với quyết định của các thành viên khác trong Hội đồng xét xử … do họ đã không tận tình giải thích, phân tích để đương sự hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc cung cấp, tài liệu chứng cứ cho Tòa án. Song, dù xuất phát từ nguyên nhân gì thì việc vụ án bị kéo dài đã gây không ít lãng phí cho xã hội. Bài viết này dưới góc nhìn coi việc cung cấp tài liệu chứng cứ là một quyền năng của đương sự trong tố tụng dân sự bằng việc xác định, phân tích phạm vi, nội dung và cách thức đương sự thực hiện việc cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa án theo quy định của pháp luật, tác giả mong muốn góp phần giúp cho người dân có cái nhìn đúng đắn hơn về ý nghĩa của việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, thấy được sự cần thiết của việc phối hợp cùng với Tòa án để việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật.

Về mặt lý luận, cung cấp tài liệu chứng cứ vừa là quyền nhưng cũng vừa là nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng dân sự, bởi khi đương sự đưa ra yêu cầu và đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu của mình thì đương sự phải cung cấp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và cần được pháp luật bảo vệ, hay nói cách khác là cần được Tòa án chấp nhận yêu cầu đó nên hành vi cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án của đương sự là việc đương sự “tự bảo vệ” mình nên thực chất đây là quyền “tự bảo vệ” của họ trong tố tụng dân sự. Do đó, nhìn từ góc độ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp thì việc đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án là quyền của đương sự trong quá trình tham gia tố tụng. Đồng thời, trong trường hợp này, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án của đương sự cũng lại đồng nhất với nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ của đương sự.

Về cơ sở pháp lý, chúng ta có thể thấy rằng theo quy định tại Khoản 5-Điều 70-BLTTDS thì “khi tham gia tố tụng, đương sự có quyền, nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”, đồng thời tại Khoản 1-Điều 91-BLTTDS quy định về “nghĩa vụ chứng minh” cũng xác định “đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”. Điều 96-BLTTDS xác định “Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ, việc dân sự, đương sự có quyền, nghĩa vụ giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án…”. Như vậy, từ cơ sở lý luận và cơ sở pháp lý có thể khẳng định việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của các đương sự trong tố tụng dân sự.

Theo đó, việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án được xác định là hành vi cụ thể của đương sự nhằm thực hiện nghĩa vụ chứng minh của mình đối với yêu cầu hoặc ý kiến mà họ đưa ra. Trường hợp đã được Tòa án yêu cầu nhưng đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu chứng cứ thì lúc này Tòa án căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án để xem xét, giải quyết vụ án theo quy định tại Khoản 1-Điều 96-BLTTDS. Tuy nhiên, việc xem xét, giải quyết vụ án trong trường hợp này cần chú ý xem xét, đánh giá đối với việc đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ cho Tòa án có trong thời hạn đã được Tòa án ấn định hoặc thông báo theo quy định tại Khoản 4-Điều 96-BLTTDS hay không.

Theo quy định tại Điều 93-BLTTDS thì chứng cứ do mỗi bên đương sự đưa ra hoặc do Tòa án thu thập trong quá trình giải quyết vụ án. Các chứng cứ này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giải quyết vụ án của Tòa án, bởi lẽ đây là cơ sở để Tòa án xem xét yêu cầu của đương sự, từ đó đưa ra phán quyết có chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của họ.

Việc cung cấp chứng cứ của các bên đương sự được thực hiện tùy theo tư cách tham gia tố tụng của đương sự trong vụ án cũng như trong từng giai đoạn giải quyết vụ án của Tòa án. Phạm vi bài viết này chỉ phân tích quyền tố tụng này của các đương sự trong giai đoạn sơ thẩm.

Ở giai đoạn sơ thẩm, đối với nguyên đơn, pháp luật tố tụng dân sự cho phép họ được thực hiện việc cung cấp tài liệu, chứng cứ từ khi họ bắt đầu nộp đơn khởi kiện đến Tòa án (Khoản 1 và Khoản 4- Điều 195- BLTTDS). Tại thời điểm này, nguyên đơn gửi kèm theo đơn khởi kiện các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho việc mình có quyền khởi kiện cũng như nhằm xác định tranh chấp hoặc yêu cầu khởi kiện của mình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà mình gửi đơn khởi kiện; Đối với bị đơn- với quy định tại điểm g- Khoản 2- Điều 196-BLTTDS pháp luật tố tụng dân sự cho phép họ thực hiện việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án kể từ sau khi bị đơn nhận được Thông báo thụ lý vụ án của Tòa án.

Như vậy, xét về phạm vi thực hiện quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ của các đương sự trong vụ án dân sự nói chung, chúng ta có thể thấy rằng nguyên đơn bắt đầu thực hiện quyền này sớm hơn bị đơn và việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của nguyên đơn cho Tòa án tại thời điểm họ nộp đơn khởi kiện là bắt buộc; còn đối với bị đơn thì việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án không có tính bắt buộc do bị đơn không bị ràng buộc bởi nghĩa vụ chứng minh nên việc bị đơn cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án không mang tính chủ động như nguyên đơn mà có thể có hoặc có thể không. Tuy nhiên, trong trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố hoặc bị đơn không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và trình bày lý do nại ra ngược lại với yêu cầu của nguyên đơn thì bị đơn lúc này phải chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để chứng minh rằng yêu cầu phản tố hoặc lý do nại ra của mình là có căn cứ. Như vậy, cho dù là nguyên đơn và thuộc trường hợp bắt buộc phải nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hay bị đơn nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa trong trường hợp nếu họ thấy cần thiết thì việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án để Tòa án có đủ cơ sở, căn cứ để giải quyết vụ án là rất cần thiết, bởi điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tính đúng đắn, có căn cứ pháp luật của phán quyết của Tòa án.

Thực tiễn cho thấy, vấn đề vướng mắc thường đặt ra đối với đương sự khi tham gia tố tụng dân sự là họ cần hiểu với góc độ là “quyền” dân sự thì pháp luật tố tụng dân sự ghi nhận hay nói khác hơn là pháp luật cho phép họ thực hiện quyền dân sự này như thế nào? Hay hiểu cách khác là khi tham gia tố tụng, các đương sự sẽ thực hiện cung cấp tài liệu, chứng cho Tòa án như thế nào? Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong trường hợp nào được xác định là hợp pháp và tài liệu đó được sử dụng làm chứng cứ để đánh giá khi giải quyết vụ án? Về vấn đề này, chúng ta có thể thấy pháp luật tố tụng dân sự quy định cách thức thực hiện việc giao nộp tài liệu, chứng cứ của các đương sự tương đối rõ ràng, chặt chẽ tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4- Điều 96-BLTTDS, bên cạnh đó pháp luật tố tụng dân sự cũng quy định cụ thể các trường hợp tài liệu nào được xác định là chứng cứ và được sử dụng để đánh giá trong quá trình giải quyết vụ án tại Điều 95-BLTTDS. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc giao nộp tài liệu, chứng cứ của đương sự cho Tòa án phải được Tòa án lập thành biên bản có chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp và chữ ký của người nhận và con dấu của Tòa án nhận tài liệu, chứng cứ; biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ cũng như số bản, số trang của tài liệu, chứng cứ được giao nộp; biên bản được lập thành hai bản, giao cho người nộp một bản và một bản được lưu tại hồ sơ vụ án. Đồng thời, khi thực hiện việc giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì đương sự giao nộp có nghĩa vụ phải sao gửi các tài liệu, chứng cứ đã nộp cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với các tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được hoặc tài liệu, chứng cứ  thuộc trường hợp Tòa án không công khai nội dung tài liệu, chứng cứ theo quy định tại Khoản 2-Điều 109-BLTTDS do nội dung tài liệu, chứng cứ có liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà theo yêu cầu chính đáng của đương sự và Tòa án không công khai nội dung tài liệu, chứng cứ thì đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án phải thông báo bằng văn bản  cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác để họ biết.

Trường hợp, tài liệu, chứng cứ do đương sự giao nộp cho Tòa án thể hiện bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài thì theo quy định tại Khoản 3-Điều 96-BLTTDS phải được đương sự thực hiện việc gửi kèm bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp cho Tòa án.

Bên cạnh đó, để các tài liệu, chứng cứ do mình giao nộp cho Tòa án được xác định là chứng cứ hợp pháp và được sử dụng để giải quyết vụ án thì đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cần chú ý một số nội dung có ý nghĩa nguyên tắc trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của BLTTDS- Đó là: 

+ Đối với các tài liệu đọc được nội dung thì tài liệu đó bắt buộc phải là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Trường hợp này cũng cần lưu ý Tòa án hoặc Viện kiểm sát trong giai đoạn kiểm sát xét xử có quyền yêu cầu đương sự đã giao nộp tài liệu, chứng cứ là bản sao đã có công chứng, chứng thực xuất trình bản chính để thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu với bản chính. Bởi, thực tế cho thấy nhiều trường hợp đương sự giao nộp tài liệu là bản sao mặc dù đã được công chứng, chứng thực nhưng là tài liệu đã được sao từ rất lâu trước đó, đến thời điểm phát sinh tranh chấp thì tài liệu đó đã không còn giá trị do đối tượng, nội dung được ghi nhận, thể hiện tại tài liệu đó đã có sự thay đổi, điều chỉnh. Vì vậy, đương sự giao nộp tài liệu là bản sao nhưng không xuất trình được bản chính khi có yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát để chứng minh tính hợp pháp của tài liệu này thì tài liệu do đương sự giao nộp cũng không được xác định là chứng cứ hợp pháp;

+ Đối với các tài liệu nghe được, nhìn được (băng, đĩa, file ghi âm, ghi hình, usb… thì khi giao nộp tài liệu này cho Tòa án, đương sự giao nộp cần gửi kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người giao nộp về xuất xứ của tài liệu đó hoặc vản bản về sự việc liên quan đến việc thu âm, thu hình đó;

+ Đối với lời khai của người làm chứng cần được khai bằng lời tại Tòa án hoặc ghi bằng băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình… thì phải theo quy định tại Khoản 2-Điều 95-BLTTDS là đương sự giao nộp cần gửi kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người giao nộp về xuất xứ của tài liệu đó hoặc vản bản về sự việc liên quan đến việc thu âm, thu hình đó.

Thiết nghĩ, việc nhận thức đúng và hiểu rõ các quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện nay, trong đó có quy định về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án của đương sự, nhất là nhận thức đúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án của đương sự cũng như hiểu rõ về cách thức thực hiện việc cung cấp tài liệu chứng cứ; xác định tài liệu nào là chứng cứ hợp pháp… như các nội dung đã phân tích, làm rõ ở trên của mỗi người dân hiện nay là thực sự rất cần thiết, nhất là khi họ có liên quan đến các tranh chấp dân sự nói chung để từ đó người dân có thể vừa tự bảo vệ mình, lại vừa chấp hành đúng các quy định của pháp luật, góp phần làm sáng tỏ bản chất của vụ án và quan trọng nhất là giúp cho Tòa án đưa ra được một phán quyết chính xác, đúng pháp luật./.

Ngọc Thuận

Liên kết website

Thông kê truy cập