Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

CẦN PHÂN BIỆT RÕ CÁC TÌNH TIẾT GIẢM NHẸ ĐỂ ÁP DỤNG ĐÚNG KHI XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Nguyễn Văn A quen biết với bà T và hay lui tới nhà của bà T nên biết bà T thường để chìa khóa cửa trên trang thờ trước nhà. Khoảng 14 giờ ngày 02/02/2018, lợi dụng lúc nhà bà T không có người nên A lấy chìa khóa mở cửa vào trong lục tìm và lấy được 22.000.000 đồng tiền mặt cùng 20 chỉ vàng (loại vàng 96%). Sau khi lấy được tài sản A đã tiêu xài hết 3.500.000 đồng, số tiền, vàng còn lại đem đi cất giấu. Đến chiều cùng ngày bà T đi làm về phát hiện bị mất tài sản nên báo cơ quan công an đến làm việc. Ngày 03/02/2018 cơ quan điều tra đến nhà bà T khám nghiệm hiện trường, thu thập dấu vết, A sợ bị phát hiện nên đã đến nhà bà T xin lỗi và trả lại 20 chỉ vàng cùng 18.500.000 đồng, còn số tiền 3.500.000 đồng đã tiêu xài, A hứa sẽ trả sau và đã trả đủ cho bà T số tiền 3.500.000 đồng.
Vụ án đã được đưa ra xét xử, tuy nhiên giữa Viện kiểm sát và Tòa án không thống nhất về áp dụng tình tiết giảm nhẹ đối với bị can A.
- Quan điểm của VKS cho rằng: bị can A đã chiếm đoạt được số tiền, vàng của bà T và đã tiêu xài hết 3.500.000 đồng. Đến khi bà T báo cơ quan điều tra đến làm việc thì A mới khai nhận hành vi của mình trả lại 20 chỉ vàng cùng 18.500.000 đồng, còn số tiền 3.500.000 đồng A khắc phục sau. Vì vậy mà VKS đã đề nghị Tòa án áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 .
- Quan điểm của Tòa án cho rằng: khi nhận được đơn trình báo của bà T, cơ quan điều tra xuống khám nghiệm hiện trường thì A đã tự nguyện đến cơ quan điều tra đầu thú, khai nhận hành vi trộm cắp tài sản và trả lại toàn bộ tài sản cho bà T. Tòa án không áp dụng tình tiết “Người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả” qui định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS mà áp dụng tình tiết “Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại”quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 cho A.
Theo tôi, tình tiết“Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại trong BLHS năm 2015,  phải được hiểu là khi tội phạm đã được thực hiện nhưng thiệt hại không xảy ra và nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội. Cần phân biệt với phạm tội chưa đạt (Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội).Đây là trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng chưa gây ra hậu quả. 
Theo tinh thần của Công văn số 994/VKSTC-V3  ngày 09/4/2012 của Vụ 3 (Nay là Vụ 7)– Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 BLHS 1999 (điểm h khoản 1 Điều 51 BLHS 2015)Khái niệm “chưa gây thiệt hại” nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội ,“chưa gây thiệt hại” là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sảnNếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại. Từ hướng dẫn này có thể hiểu, chưa gây thiệt hại là trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản. Nếu đã dịch chuyển tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản mà bị quần chúng phát hiện, đuổi theo và bị bắt quả tang hay được cơ quan điều tra thu hồi trong quá trình điều tra thì không thuộc trường hợp chưa gây thiệt hại. Điều này có nghĩa, chỉ tội phạm ở giai đoạn phạm tội chưa đạt thì mới xem xét tình tiết giảm nhẹ này cho người phạm tội, còn khi tội phạm đã hoàn thành thì không thể áp dụng.
Việc nhận thức và áp dụng chính xác các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ khi xét xử vụ án hình sự góp phần đảm bảo tính nghiêm minh, khách quan, sự thượng tôn pháp luật và đảm bảo pháp chế XHCN.

Mỹ Ngân - VKS thị xã Ninh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập