Trang thông tin tổng hợp Viện Kiểm Sát Khánh Hòa

CHÀO MỪNG KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3/2/1930 - 3/2/2024)

CẦN NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG ĐÚNG CÁC QUI ĐỊNH CỦA BLHS, HƯỚNG DẪN LUẬT, HẠN CHẾ TỶ LỆ SỬA BẢN ÁN HÌNH SỰ

Thời gian vừa qua có rất nhiều vụ án khi đưa ra xét xử sơ thẩm hình sự, do không nhận thức đúng và đầy đủ các qui định của pháp luật hình sự, hoặc không nắm bắt đầy đủ các trình tự áp dụng pháp luật tại các điều luật đơn lẻ được hướng dẫn trong các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nên dẫn đến số lượng án hủy, sửa không giảm. Nhằm hạn chế số án bị cấp phúc thẩm sửa do những thiếu sót không đáng có nói trên, chúng tôi xin đưa ra một số vụ án cụ thể, trao đổi cùng đồng nghiệp để nâng cao nhận thức, năng lực thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự.
Khoảng 21 giờ 30 phút ngày 13/8/2017 Nguyễn Thanh P đang ngồi chơi điện tử tại quán internet NOVA ở tổ dân phố T, huyện N, tỉnh K thì Lê Khánh D và Nguyễn Gia L đến chọc phá, gây sự đòi đánh nhau với P, được bạn là Huỳnh Đ và Huỳnh Th can ngăn đồng thời đẩy D, L ra khỏi quán nhưng hai bên vẫn tiếp tục cự cãi. P sợ Đ và Th bị đánh nên chạy ra ngoài lấy 01 cây rựa vào đuổi đánh D và L nhưng không được thì quay lại quán điện tử. P nhìn thấy D đang đứng nói chuyện và khiêu khích đòi đánh nhau với Đ nên P cầm rựa chạy đến chém D một nhát, D đưa tay trái lên đỡ thì bị rựa chém trúng làm đứt lìa bàn tay với tỷ lệ tổn thương cơ thể 35% . Ngay sau đó D được đưa đi cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh K, còn P ném rựa xuống sông gần đó rồi đi về nhà.
Tại bản Cáo trạng số AA/CT-VKS-HS ngày JJ/4/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện N, tỉnh K đã truy tố bị cáo Nguyễn Thanh P về tội Cố ý gây thương tích” theo khoản 3 điểm c Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (viện dẫn điểm a, i khoản 1 Điều 134).
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số BB/2018/HSST ngày ZZ/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh K quyết định:
- Đưa cha mẹ của người bị hại Lê Khánh D vào tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật do bị hại Lê Khánh D điều trị loạn thần vì sử dụng chất kích thích.
- Áp dụng khoản 3 điểm c Điều 134 (viện dẫn điểm a, i khoản 1 Điều 134); điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 90 và Điều 101 Bộ luật hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh P 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.
Qua công tác kiểm sát xét xử, kiểm sát bản án nêu trên, Viện kiểm sát nhân dân huyện N nhận thấy: Bị cáo Nguyễn Thanh P sinh ngày 25/7/2001, tính đến ngày phạm tội là 16 tuổi 19 ngày, mức án Viện kiểm sát đề nghị từ 3 năm 9 tháng – 4 năm 3 tháng tù (tương ứng ¾ mức hình phạt 05 năm – 05 năm 06 tháng tù).
Mặc dù bị cáo chỉ có 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 51 BLHS 2015 nhưng HĐXX lại áp dụng Điều 54 BLHS tuyên phạt bị cáo 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù là không đúng theo quy định tại Khoản 1 Điều 54 BLHS và không thực hiện đúng theo Mục 11.1 Nghị quyết 01.2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.
Theo qui định tại mục 11.1 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của  Hội đồng thẩm phán TANDTC quy định: “11. Về việc quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội
11.1. Khi quyết định hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội thì cần thực hiện như sau:
a. Xác định mức hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội như đối với trường hợp người phạm tội là người đã thành niên;
b. Trường hợp người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì hình phạt áp dụng đối với họ là 3/4 mức hình phạt áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội được xác định theo hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 11.1 này;”
Như vậy, mức hình phạt tương ứng đối với bị cáo phải là 03 năm 9 tháng tù (45 tháng tù).
Việc HĐXX áp dụng Điều 54 BLHS 2015 tuyên bị cáo 03 năm 06 tháng (42 tháng) tù là vi phạm nghiêm trọng việc áp dụng Pháp luật hình sự.
Mặc khác, người bị hại Lê Khánh D sinh năm 1997 là người trên 18 tuổi, tại phiên tòa mở lại lần thứ 2 vắng mặt có lý do (có giấy xuất viện do loạn thần vì sử dụng chất kích thích). Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị xử vắng mặt đối với bị hại vì trong quá trình điều tra đã có lời khai, sự vắng mặt của anh D chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại nhưng có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định tại Điều 292 BLTTHS 2015; đối với việc đưa cha mẹ người bị hại vào tham gia tố tụng với tư cách là đại diện hợp pháp của người bị hại là không có căn cứ vì trong Quyết định đưa vụ án ra xét xử họ không được xác định với tư cách này. HĐXX quyết định xử vắng mặt đối với bị hại Lê Khánh D, tuy nhiên lại quyết định đưa cha mẹ của người bị hại vào tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo pháp luật khi chỉ căn cứ vào giấy xuất viện của người bị hại là không có căn cứ.
Qua vụ án trên có thể thấy rằng, do không nắm chắc các qui định của Pháp luật hình sự đã dẫn đến việc áp dụng không chính xác các Điều luật cụ thể, bản án bị kháng nghị và cần sửa phần áp dụng Điều luật và điều chỉnh mức hình phạt cho phù hợp; ngoài ra cũng cần xác định chính xác tư cách người tham gia tố tụng, tránh gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ./.

Minh Phương - VKS thị xã Ninh Hòa

Liên kết website

Thông kê truy cập